This post is not yet available in English. You can contribute a translation by sending it to artofhosting.vn@gmail.com.

Điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?

Trong vòng tròn của phòng tiêu chuẩn (dorm) 118, các thành viên đã chủ động thực hành 4 nếp (gấp), kĩ thuật Neo giữ không gian thông qua việc lắng nghe và chia sẻ nhu cầu lúc 10:30 đêm sau khi tham gia buổi Ăn mừng (chỉ có mừng chớ hẻm có ăn (tiệc) nhưng vui phát rồ (nhất là đội thua trong cuộc chiến Tên ải tên ai).

Chúng mình chọn ngồi lại cùng nhau trong không gian bao chứa vì muốn học hỏi từ trải nghiệm tham dự vào nhiều workshop khác nhau. Và trên hết, tụi mình muốn là được hiện diện cùng nhau trong dòng chảy cảm xúc “ta thuộc về nhau” trỗi dậy mạnh mẽ.

Tụi mình cũng có những phút giây tranh luận (nảy lửa). Nhưng rồi bằng nguồn cảm hứng của việc thực hành vai trò Người chăm sóc, người nhận sự chăm sóc, Người tự chăm sóc và Cộng đồng tự chăm sóc nhau, rất nhiều tiếng chuông cũng như vùng cam và đỏ – trong xác lập ranh giới an toàn trong mối quan hệ), những điều cần nói và muốn nói đã được nói ra với sự để tâm, được lắng nghe với sự chú tâm.

World cafe, Open Space Technology, các workshops nhỏ với nhiều chủ đề thú vị đã để lại dấu ấn sâu sắc với một số thành viên. Khi trải nghiệm đó được đúc rút và chia sẻ, chúng giúp cho một số thành viên khác được nhìn lại hành trình của mình và nhờ đó, họ có khoảnh khắc loé sáng (đầy hứng khởi). Sau cuối, tụi mình cũng hoan hỉ đi ngủ lúc 11:45 và hứa hẹn ngày mai, lúc ăn bữa cơm trưa sau chót sẽ chụp tấm hình đủ 9 người.

Cơ mà, bức hình đủ 9 con giời từ 3 vùng miền đã không được tạo ra vì đứa nào cũng mải ăn và nói! =)) Kể cả lúc thực hành Ăn trong chú tâm 5 phút cũng chẳng có đứa nào dành một sợi dây thần kinh để nhớ vụ ảnh ọt. Có lẽ, não chỉ tập trung cầu cho chuông reo hết giờ.

Đã sắp một tuần trôi qua kể từ lúc ôm nhau theo kiểu Brazil (ít nhất 3 người khác nhau), nhưng lúc này các khung lý thuyết, những tinh thần được trao truyền rất khác từ các người giữ lửa của chương trình Nghệ thuật chủ trì và Thu hoạch những cuộc hội thoại có ý nghĩa mới bắt đầu chảy thật chậm rãi bên trong mình.

Khi nhìn sâu hơn vào Art of Hosting, mình nhìn thấy sự giao thoa của nhiều chương trình khác mà mình được tham gia, từ Community Collaboration (MCH), Arts For Good (SIF), Search Inside Yourself (SIYLI). Tất nhiên, sẽ có những lúc mình rên rỉ, vò đầu bức tai đúng kiểu khởi sinh phải đi qua xáo trộn! Nhưng vì AoH có thể thực hành chỉ với những người sống quanh tôi. Những câu hỏi tinh quái/ đầy quyền năng hay bậc đá Chaordic, hoặc Pro-action cafe… thực sự có thể tạo nên bước nhảy vọt từ việc dành 10-15 phút/ ngày để nghiền ngẫm, thực hành.

Mình cảm thấy vô cùng biết ơn sự dấn thân, cống hiến, nuôi dưỡng và trí tuệ của nhóm chủ trì và 3 vị giữ lửa cho AoH 2024. Nhờ có sự tận tâm, chu đáo trong nếp Người chăm sóc của chú/ cô/ anh/ chị/ em mà mình đã được khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Người được chăm sóc. Và dù mình tin, mọi người sẽ luôn tự thực hành vai trò Tự chăm sóc cũng như nâng đỡ để Cộng đồng tự chăm sóc nhau, mình cũng dành nhiều hơn một sợi dây thần kinh và 1/4 trái tim để quan sát và chăm sóc các thành viên trong nhóm chủ trì khi có thể.

 

(c): ảnh mình chụp trong phần thực hành Nature Walk với suy nghĩ “điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?”

-Ai Van-

“Alo, celebrate đi Chị ơi”

Trước AoH, tôi có đặt cho mình một câu hỏi “Liệu có cách nào để vận hành lớp với ít hơn sự có mặt của mình không?”

Trong những cuộc trò chuyện đầu tiên với học viên diễn ra hôm qua, sau một tuần hoàn toàn vắng mặt, tôi thực sự rất bất ngờ với những khác biệt của mọi người. Tôi nhìn thấy sự thoải mái của bạn nói về chủ đề mà tuần trước tôi còn thấy bạn chật vật và căng thẳng. Tôi nhìn thấy sự hào hứng của một người khác kể về “aha moment” khi nhìn thấy giá trị của việc lặp lại, và niềm tin vào việc luyện tập. Những thay đổi trong tư duy học rõ nét khi mọi người được tạo không gian cho việc tự học được thực hành.

Suốt những năm làm giáo viên, tôi bị mâu thuẫn trong cách mình vận hành lớp học. Ước mong lớn nhất của tôi là nhìn thấy học viên có thể tự bước đi, nhưng lại ép mình đóng vai trò là người cầm tay chỉ việc. Tôi thấy áp lực trong việc đẩy học viên theo đúng lộ trình được vạch ra từ đầu, khi rõ ràng mỗi người có cách tư duy, tốc độ, và phong cách học rất khác nhau. Tôi thấy bất an khi mình không ở đó, và lo sợ người học sẽ đi chậm lại nếu vắng mặt mình.

Sau AoH, câu hỏi tôi muốn đặt lại là “Làm sao để mời sự tự học trong mỗi học viên, mà mình sẽ đóng vai trò là người đồng hành, hơn là định nghĩa giáo viên mà tôi đang giữ?”

Đường đi hình như đã mở ra dù vẫn còn vài điều chưa chắc chắn. Nhưng đây sẽ là thực hành đầu tiên, tôi sẽ tập tin tưởng vào học viên, như cách mà bạn nhắc lại tối qua: “Chị sẽ tin tưởng vào tiến trình và người đồng hành cùng mình”


Đang muốn nhắn cho Chị là: “Alo, celebrate đi Chị ơi”, nhưng biết là Chị đang bận.


📸
Trời xinh, và Hân cũng vậy 😌

-Hân Phạm-

Chúc bà con thu hoạch hiệu quả!!!

Hôm bữa mình có tham gia một lớp tập huấn về facilitation ở cơ quan, bỗng nhớ ra mình muốn dông dài mấy dòng về Thu hoạch. Trong Cẩm nang Đồng hành của AoH2024 mô tả như sau:

“Cộng đồng Art of Hosting đã ứng dụng thuật ngữ “thu hoạch” để miêu tả quá trình thu thập hoặc lưu giữ lại đầu ra/kết quả của các cuộc trò chuyện được chủ trì. Phép ẩn dụ tự nhiên này đáp ứng được sự phức tạp mang tính hệ thống của nhiệm vụ phải thực hiện. Nghệ thuật chủ trì và nghệ thuật thu hoạch như hai nửa của một tổng thể, song hành với nhau trong một điệu vũ.

Thu hoạch không chỉ là ghi chép. Để hiểu được sự phức tạp của nghệ thuật này, chúng ta hãy sử dụng hình ảnh một cánh đồng trồng lúa. Cánh đồng đó có thể được thu hoạch như thế nào? Trước hết ta hình dung một người nông dân sử dụng máy móc để gặt lúa, đập lúa và tách lấy thóc. Người nông dân có thể lựa chọn dự trữ lúa ở dạng thóc hay xay xát thành gạo, lựa chọn bán ngay hoặc lưu kho để đợi bán giá tốt hơn.”
“Tập hợp những nguyên tắc thực hành có thể ứng dụng vào quá trình thiết kế chiến lược thu hoạch cho các tiến trình đồng kiến tạo được viết tắt là PLUME (lông vũ), bao gồm Participatory (Đồng kiến tạo), Learning (Hỗ trợ sự học), Useful (Hữu dụng), Multi-modal (Đa phương thức) và Emergent (Khởi sinh).”

Theo những nguyên tắc trên, khi thu hoạch lúa thì mình cần có sự cùng-tham-gia của nhiều người, trong gia đình và trong cộng đồng. Ngày trước (mà có khi cả bây giờ), bà con vẫn còn đi cấy đổi công cho nhau, ấy là biểu hiện của sự hợp tác. Đồng-kiến-tạo còn thể hiện ở chỗ hộ gia đình, hợp tác xã, hay một cộng đồng có thể cùng nhau thảo luận để xem mình nên bán lúa/thóc cho ai, bán giá bao nhiêu, thay vì các nỗ lực cá nhân riêng lẻ để rồi bị ép giá.

Hỗ trợ sự học thì cũng rất quan trọng với thu hoạch cây trồng. Trong quá trình thu hoạch, người nông dân, các nhà khoa học, khuyến nông, quản lý đều có thể rút kinh nghiệm khi đón nhận thành quả. “Ồ, vụ này bón ít phân đạm đi, mà thu về cũng tốt lắm đó nha anh Tám” là một trong những câu mà mình thường nghe thấy trên đồng lúa chín. Hay “Vụ sau chắc tui thử áp dụng quy trình như nhà bác Năm coi, nghe đâu bán được giá cao hơn đó?” cũng là một ví dụ khá điển hình.

Hữu dụng thì đương nhiên rồi. Thu hoạch gạo để ăn, để bán, thu hoạch rơm để tái sử dụng sản xuất nấm rơm, làm nhiên liệu. Bán tươi thì cứ cắt rồi để lên bờ, thương lái tới tận ruộng mà mua. Còn mang về nhà trữ thì nhớ đóng vào bao cho tiện vận chuyển. Hữu dụng cũng nên đi cùng với hiệu suất.

Đa phương thức cũng khá rõ. Thu hoạch bằng các biện pháp thủ công, bằng liềm bằng hái. Hay thu hoạch bằng những thiết bị cơ giới hóa hiện đại, thậm chí được điều khiển hoàn toàn bằng AI. Quan trọng là chọn được công cụ hay phương thức phù hợp nhất với người tham gia.

 

“Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng trong thực hành đồng-kiến-tạo, thu hoạch cũng là một tiến trình có tính khởi sinh. Ngay cả khi có hình dung rõ ràng về cách mình sẽ thu hoạch và lưu giữ những bài học, góc nhìn, hành động và dữ liệu từ một tiến trình, chúng ta vẫn cần cho phép sự trỗi dậy của những nội dung có tính khởi sinh.”

Thu hoạch lúa xong không có nghĩa là dừng ở đó. Nếu bán được giá, chủ đề tiếp theo mà bà con hay nghĩ tới là sẽ chi tiêu ra sao với phần thu nhập vừa tạo ra, cho thằng cu đi học, hay mua cái xe Honda mới. Đơn giản nhất, với những cộng đồng vẫn còn truyền thống lưu giữ giống, những hạt giống tốt nhất sẽ được giữ lại, để tiếp tục khởi sinh ra một vụ mùa mới, cùng nhau.

Photo credit: Chris Corrigan

-Trung Slim-

Take care of yourself, Take care of this community

Gần 1 tuần sau khi kết thúc Art of Hosting Training Việt Nam lần thứ 5, thứ còn đọng lại trong mình nhiều nhất là những khoảnh khắc mình được làm việc cùng nhau và được sống cùng nhau.

Bức ảnh mô tả điều này rõ nhất trong mình. Trong cùng một không gian cộng đồng, mỗi người đều được “là mình” theo cách của riêng họ. Và mỗi người được chọn để làm điều họ cảm thấy ý nghĩa nhất vào lúc đó.

Có những con người đang hân hoan ngồi lại hòa ca đầy cảm xúc, có những con người đang làm nốt công việc cần làm để chuẩn bị cho ngày tiếp theo, có những con người sau khi tàn tiệc thì đã đi nghỉ sớm.

Trong một cộng đồng, bạn học cách để chăm sóc cho bản thân bạn và hiểu rõ bản thân cần gì vào lúc này. Bạn cũng học cách để hiểu và tôn trọng nhu cầu của những người xung quanh. Vẻ đẹp của sự tự tổ chức (self-organization) là khi chẳng có ai vẽ ra cho ai chúng ta “phải” làm gì, từ việc “hiểu” và “tôn trọng”, mỗi cá nhân chọn để ở vị trí phù hợp với họ nhất.

Ở chính vị trí đó, họ được chăm sóc và họ cũng sẵn lòng chăm sóc người khác.

Vì thế, dù cho hoạt động là gì trong bức tranh này, điều mình cảm thấy là niềm vui và sự nhẹ nhõm. Mình được “chăm sóc” bởi tiếng hát của mọi người, và thấy vui vì mọi người đang tận hưởng những khoảnh khắc cùng nhau đó. Còn mình và một số thành viên khác cũng đang tận hưởng cảm giác hoàn thiện một công việc, thấy tự hào vì từng mảnh ghép đã được đóng góp bởi các thành viên đang gắn kết thành một bức tranh tổng thể.

Và ở giữa bọn mình, có những người sẵn sàng chạy ra để giúp gắn một bức vẽ lên cao, có người đi loanh quanh ở cả hai bên vừa tận hưởng chút cồn vừa khúc khích cười với những câu bông đùa.

Đến tận bây giờ, mình vẫn luôn cảm thấy không gian cộng đồng này rất siêu thực: Vì ở đó, mình được thực hành “là mình” một cách trọn vẹn nhất, rũ bỏ áp lực mình “phải” làm gì đó vì mọi người đang làm vậy, và cho mình được ở nơi mình muốn ở nhất.

Nơi đó, mình thuộc về mình, trong lòng cộng đồng.

-Nam Taro-