-written by Wendy-
The post is not yet available in English. You can contribute the translation by sending to artofhosting.vn@gmail.com.
“Có cách nào để cho thành viên team tôi vừa phát huy tính tự chủ, sáng tạo, vừa gắn kết hơn không?”
Mỗi khi nhận được câu hỏi này, mình đều muốn chia sẻ về việc có thể bắt đầu từ quyền được mơ ước như thế nào.
Trong đợt Art of Hosting (AOH) vừa rồi, một trong những câu chuyện ấn tượng nhất mình nghe được là khi Trang (Steward của AOH VN) kể về một lần làm tư vấn cho tổ chức nọ, và đề xuất làm hoạt động Open Space, bác Giám đốc (Gđ) đã lo lắng là sẽ fail vì cho rằng nhân viên của mình chỉ quen làm những dự án đã có sẵn.
Open Space là hoạt động mời gọi người tham gia đề xuất những ý tưởng/ câu hỏi (khi đó họ trở thành caller – người khởi xướng) và mở ra không gian thảo luận cho bất cứ ai muốn tham gia. Không quan trọng địa vị, năm kinh nghiệm… bất cứ ai đều có thể làm caller, và một Open Space có thể mở đến 10 cuộc thảo luận diễn ra cùng lúc (tùy theo số lượng team).
Bác GĐ còn dự phòng một số ý tưởng để chia sẻ, nếu không ai nghĩ ra cái gì, và nhóm Faci cũng đồng ý.
Nhưng thật bất ngờ, khi hoạt động Open Space được giới thiệu, các nhân viên đã rất hăm hở đi lên và viết các ý tưởng của mình, nhiều đến nỗi bác Gđ sợ hãi và muốn ngăn mọi người bớt lại. Bác sợ là ý tưởng mở ra nhưng không thực hiện được sẽ khiến mọi người nản chí.
Nhưng nhóm Faci và bác Gđ sau đó đã nhận ra vì sao mọi người khí thế như vậy, vì họ cần được mơ ước, và có quyền được mơ ước. Hàng ngày họ đã luôn phải làm các công việc được định sẵn, các dự án được rót xuống, và họ không có không gian, thời gian để được mơ mộng, cho đến thời điểm đó.
Cuối chương trình nhóm Faci đã ghi chép lại đầy đủ tất cả các ý tưởng để gửi lại team. Cũng không biết có thành thật hay không, nhưng trải nghiệm đó sẽ giúp mọi người có năng lượng, cảm xúc để tiếp tục mơ ước, và trở thành chất liệu, cảm hứng cho các dự án sau này.
Khi nghe Trang kể vậy mình cũng nhớ đến một lần tương tự, khi mình và đồng nghiệp cũng tư vấn cho một công ty, và muốn làm hoạt động Dream Board (dùng hình ảnh, từ ngữ thể hiện mong muốn của mình). Trước đó bọn mình cũng lo ngại không biết mọi người có hưởng ứng không, hay lại thấy việc đang quá nhiều rồi còn thời gian đâu mà mơ ước.
Nhưng không, ngay khi mình hướng dẫn mọi người, trong đó có câu hỏi “Nếu mọi thứ đều có thể thì team muốn làm gì?” thì các anh chị ngẩn ra một lúc, nhưng mắt sáng lên. Và mọi người lao vào làm DB ngay lập tức, tờ A1 không đủ còn phải lấy thêm giấy để làm.
Năng lượng trong phòng tăng vọt, mà giờ nhìn lại mình càng hiểu đó là sức sống của việc được mơ ước, được “phóng sinh” những ý tưởng có vẻ điên rồ mà không bị triệt tiêu từ trong trứng nước, như trong bối cảnh làm việc hàng ngày gò bó.
Đối với nhóm làm về phát triển bản thân như mình thì việc trước khi bắt đầu dự án bọn mình đều ngồi với nhau và chia sẻ về dream đã là một nghi thức. Khi viết xuống, thật ra những điều đó cũng thể hiện được mục tiêu chương trình chứ không bị “em đi xa quá”, nhưng từ “dream” thực sự gợi mở và mang lại nhiều cảm hứng cho chúng mình để bắt tay vào làm việc, biến mọi ý tưởng thành hiện thực hơn!
Mình mong là trong những bối cảnh làm việc, đội nhóm khác nhau, mọi người vẫn được hỏi và dành thời gian để cùng nhau chia sẻ mơ ước mà mình cùng muốn đi tới. Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng vào giá trị và năng lực hành động của mỗi người, cũng như khiến team hiểu và gần nhau hơn.
Hơn nữa, chẳng phải nhiều phát minh, sáng chế đã được khởi đầu từ một giấc mơ nào đó hay sao? (như câu chuyện của Steve Jobs).
Bài viết này cũng để tri ân bác Harrison Owen, cha đẻ của Open Space, mới qua đời hôm 16.03, đúng hôm bọn mình làm hoạt động này ở A0H. Cám ơn bác vì đã thiết kế một công cụ thú vị và mang lại giá trị cho việc xây dựng đội nhóm trong gần 45 năm qua