Ngôn ngữ là lời mời
Viết bởi Phạm Quang Linh
Năm nay, sau bốn tập huấn chỉ có tiếng Anh, Art of Hosting Việt Nam sẽ chính thức có tiếng Việt. Là một trong những người đưa ra quyết định trên, tôi đã rất vui, và cũng rất sợ.
Tôi sợ vì công việc tổ chức đã tăng lên gấp bội; riêng việc viết đã gấp đôi rồi. Và sợ vì đến giờ vẫn không biết chúng tôi sẽ đưa tiếng Việt vào như thế nào. Khi thảo luận về quyết định này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo, rằng tập huấn song ngữ thì khó lắm, tiến độ sẽ bị chậm. Rồi có quá nhiều từ ngữ khi dịch sang tiếng mẹ đẻ nghe vẫn khá lạ tai. Mỗi khi tôi dùng “trí tuệ tập thể” hay “đồng kiến tạo” thì mọi người hay nheo mắt kiểu “thằng này vừa nói linh tinh gì thế?”
Nhưng nếu năm nay không có tiếng Việt, và quay lại với chỉ tiếng Anh, thì như chị Trang—người đưa ra quyết định cùng tôi—nói: “sẽ là một bước lùi cho cộng đồng thực hành Việt Nam.”
Từ tập huấn lần trước, tiếng Việt đã vang lên trong vòng tròn rồi. Lúc đó là vòng check-out cuối cùng của khoá, và chị Thu Lành đã nói tiếng Việt trong phần chia sẻ của mình. Tôi thực sự không nhớ chị nói gì, chỉ nhớ mình bị hút hồn khi giọng chị cất lên. Khi vòng tròn kết thúc và mọi người chào tạm biệt nhau, tôi ra chỗ chị và nói lời cảm ơn chị vì đã mang tiếng Việt vào khoá. Rồi bỗng dưng, trước cả khi chị kịp trả lời, tôi đã bật khóc. Thế là chị cũng khóc theo. Hai chị em cứ đứng ôm nhau trong nước mắt, giữa căn phòng đầy ắp tiếng cười và những cái ôm.
Hồi đó tôi không hiểu tại sao mình lại xúc động đến vậy. Bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu, đó là giây phút tôi nhận ra giấc mơ của mình là hoàn toàn khả thi.
Từ lâu tôi đã ấp ủ mong muốn được mời bố mẹ đến Art of Hosting. Một phần vì muốn ông bà hiểu mình đang làm cái gì, phần nữa là để chia sẻ thực hành. Trong gia đình tôi may mắn có vợ là người cùng thực tập, vậy nên chúng tôi có thể phối hợp dễ dàng hơn để xây dựng môi trường tốt cho con. Nhiều khi tôi cũng cần có những cuộc nói chuyện can đảm với bố mẹ, và nếu có cùng thực hành thì điều đó sẽ dễ dàng hơn biết bao.
Tôi cũng tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi một gia đình, một toà nhà, một khu phố, một dân tộc có cùng thực tập với những cuộc trò chuyện cần thiết? Sẽ có những màu nhiệm nào được hiện thực?
Và khi dùng tiếng Việt, tôi cũng được học thêm nhiều về cái mà tôi tưởng mình đã hiểu rõ. Như từ “host” chẳng hạn, các bạn trong cộng đồng thực hành bên Trung Quốc dịch từ đó là “chủ”, và tôi đang học lỏm từ này. Trong cuốn sách Companion Guide của AoH có câu: “Hosting is an act of leadership – hosting là một hành động lãnh đạo.” Còn gì mang tính lãnh đạo hơn việc làm chủ một không gian và mời người khác đến tham gia?
Vậy là tập huấn năm nay cùng với tiếng Anh tiếng Việt sẽ hiện diện. Chúng tôi rất mong muốn được chào đón những người ông, người bà, những bác tổ trưởng, những cán bộ cộng đồng…cùng đến để thảo luận câu hỏi chủ đề năm nay—cùng nhau tìm lại nghệ thuật chung sống. Dù vẫn còn rất nhiều nỗi lo và những thứ chưa rõ ràng, nhưng tôi cũng rất háo hức. Vì biết mình sẽ được học thêm nhiều thứ, và sẽ được chia sẻ vòng tròn cùng gia đình.