Từ 4 NẾP đến CHĂM MÌNH

Từ 4 NẾP đến CHĂM MÌNH

Bài viết bởi Lê Võ Thùy Dương

Buổi sinh hoạt tháng 6 của cộng đồng Art of Hosting (AOH) tại Hà Nội đã diễn ra thật rộn rã với thật nhiều tiếng cười, với chủ đề “Chăm Mình” và câu hỏi trọng tâm: “Làm thế nào để chăm mình trong bối cảnh nhiều vai trò, trách nhiệm?”.

Sự kiện này dành cho các cựu học viên của AOH, hay bất cứ ai quan tâm đến AOH hoặc chủ đề. Đặc biệt, mình cũng gửi lời mời tới các bạn givers đã hỗ trợ mình trong hoạt động crowdfunding trước đó, để chia sẻ về những điều tâm đắc mình được học.

Vòng tròn sinh hoạt

Và điều đó trước hết là 4 Nếp, thực hành cốt lõi của AOH, cũng là cảm hứng để mình call buổi này. Từ những lời mời về “Host yourself – Be hosted – Host others – Community hosting itself”, mình và các co-hosts Thảo Phương, Bùi Mai Phương, cũng như các anh chị em tư vấn từ xa, đã đi từ chỗ mông lung đến sáng tỏ hơn, nên dù sáng CN làm event mà chiều thứ 6 bọn mình khi vẫn thấy lỗ hổng nên đã phải đổi toàn bộ câu hỏi, thì trộm vía event vẫn diễn ra suôn sẻ 😆🥹

Trung tâm vòng tròn

Gần 20 người chúng mình đã dành 3 tiếng của buổi sáng để chia sẻ với nhau thật nhiều, từ những khó khăn gặp phải, đến những “trải nghiệm thành công” (nghe hơi đa cấp nhở 🤣), đến những hành động cụ thể mỗi người sẽ tiếp tục làm hoặc thử làm để chăm mình tốt hơn.

Những vòng tròn nhỏ lần lượt diễn ra theo mô hình World Cafes, để từ đó các câu chuyện cũng được mở ra với những cảm xúc có lúc thật khó, nhưng đều được chấp nhận và lắng nghe với sự hiện diện dành cho nhau.

Một vòng tròn nhỏ trong World Cafe

Đến phần Thu hoạch (Harvest), khi được mời làm một động tác mang thông điệp “Chăm Mình” để các nhóm khác đều làm theo, mỗi nhóm đều có những sự thể hiện thật sáng tạo, hài hước: Từ bơi & chuyển động, yoga cánh bướm, hát Babyshark, đến phần dựa vào vai nhau…

Có lẽ không gian xinh xắn của trường Mầm non cũng đã gợi cảm hứng để chúng mình có nhiều ý tưởng sinh động đến như vậy.

Sau đó các nhóm cũng lần lượt trình bày về Next Steps của mỗi bạn, và qua phần này chúng mình cũng đã học hỏi được từ nhau nhiều, biết thêm những công cụ/ thực hành để chăm sóc bản thân. 👉 Một số điều cũng đã được các bạn nhắc lại vài lần ở vòng check-out như:

  • Check-in cảm xúc với Chat GPT. Nhưng vẫn không quên lắng nghe bản thân mình nhé 😉
  • Nhìn lên bầu trời, ngắm nhìn thiên nhiên (hay đôi lúc là nhìn lên trần nhà tùy bối cảnh keke)
  • Hát, viết, vẽ, chơi ukelele, nhảy múa 💃💃 bất cứ một hoạt động sáng tạo nào, với sự chú tâm
  • Gạn lọc lòng mình, dọn “rác” sau mỗi trải nghiệm intensive
  • Cười tươi, cho mình những giây phút giải trí, được cười thật nhiều!

Và còn nhiều nhiều những chia sẻ khác. Chúng mình cũng dành cho nhau những lời chúc trước khi đóng lại circle như cố gắng thực hành 4 Nếp trong nhiều mặt của đời sống, giữ cho mình tâm thế cởi mở, dù điều gì xảy ra thì “life goes on” cuộc sống vẫn tiếp diễn để mình đi tiếp.

Đối với mình đó là buổi sáng trọn vẹn, là một trải nghiệm đẹp và vui vẻ, với những người bạn, người mới gặp nhưng đều thật thân thương 😍

🙏 Một lần nữa cám ơn các co-hosts lần đầu collab Thảo, Phương mà chúng mình cũng ổn áp phết nhỉ ^^ Cám ơn các anh chị em hỗ trợ từ sớm là anh Huân, em Ly, chị Khánh. Em xin cám ơn các cô giáo trường Mầm non Mầm Xanh đã hỗ trợ địa điểm để chúng em thực hiện workshop.

Cám ơn tất cả các bạn đã đến để tháng 6 của mình đã được bắt đầu thật tuyệt nhaaa 😡

Có thể ứng dụng gì từ cách tổ chức AoH vào công tác Đào tạo trong Doanh Nghiệp

Có thể ứng dụng gì từ cách tổ chức AoH vào công tác Đào tạo trong Doanh Nghiệp

Bài viết bởi Nguyễn Trương Bảo Khuyên

Ngày 12.5 vừa rồi, cộng đồng thực hành tại Sài Gòn tổ chức buổi kể chuyện tổ chức AoH cho cộng đồng đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp.

Trong khoảng thời gian 3.5 tiếng, nhóm tạo ra trải nghiệm không khí AoH nhiều nhất có thể cho người tham gia. Thực hành 4 nếp được đưa vào vũ điệu DUP, check-in và cả hoạt động thiết lập thoả thuận nhóm.

Hoạt động chính là phần kể chuyện AoH. 4 nhóm kể chuyện được mời gọi “kể về 1 trải nghiệm của mình tại AoH mà mình thấy khác với training truyền thống mà mình nghĩ rằng có thể có ích cho văn hoá học trong tổ chức”.

4 vòng tròn kể chuyện về:

  1. Cách mời AoH training
  2. Cách đồng thiết kế chương trình
  3. Cách phân các vai trò khác nhau trong người học, thúc đẩy sự từ chủ.
  4. Cách ứng dụng & những khó khăn trong ứng dụng AoH trong doanh nghiệp

Thu hoạch vòng tròn kể chuyện khởi xướng một chương trình AOH

Thu hoạch vòng tròn kể chuyện về cách thiết kế và mời gọi đồng kiến tạo từ người tham gia AOH

Thu hoạch vòng tròn kể chuyện về các vai trò trong một chương trình AOH

Thu hoạch vòng tròn kể chuyện ứng dụng AOH vào doanh nghiệp


Sau vòng tròn kể chuyện, các thành viên chiêm nghiệm cá nhân và theo nhóm những điều có ý nghĩa với mình để đóng góp cho tập thể
.

Thu hoạch từ các nhóm chiêm nghiệm sau vòng tròn kể chuyện

Những khoảnh khắc aha và chiêm nghiệm

Người tham dự chia sẻ “AoH không chỉ là huấn luyện công cụ mà chính là một lối sống. Điều này giúp cho người tham gia AoH vẫn quay lại hàng năm”.

Những câu hỏi nổi lên như:

• Làm sao thuyết phục Sếp/ mọi người TIN rằng mời tiếng nói tập thể sẽ hiểu quả hơn?

• Làm sao áp dụng trong bối cảnh nhanh/ đòi hỏi KPI của doanh nghiệp?

• Rốt cuộc AoH là gì?

Vẫn mong chờ những buổi “bắt cầu” tiếp theo khác giữa AoH và cộng đồng khác nhau.

Người lạ ơi – Gặp mặt AoH Hà Nội T4/2024

Người lạ ơi – Gặp mặt AoH Hà Nội T4/2024

Hoà vào dòng chảy cộng đồng thực hành Art of Hosting, bọn mình Linh Nguyen, Vũ Ngọc Diệp , Bùi Mai Phương, Linh Thuynguyen đã cùng nhau khởi xướng và chủ trì một buổi sinh hoạt cộng đồng với chủ đề “Người lạ ơi“.

Gần 20 con người lạ có, quen có, già có, trẻ có đã cùng tham gia và đem đến những câu chuyện sống động, có sức gắn kết tất cả mọi người với nhau.

Câu hỏi chủ đề của buổi sinh hoạt cộng đồng lần này là:

Làm thế nào để kết nối những người lạ thành người quen?

Làm thế nào để người quen ko trở thành người lạ?

Trong hơn 2 tiếng của buổi sinh hoạt, chúng mình được nghe rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng về những mối nhân duyên được bắt đầu từ những câu hỏi, sự quan tâm, chu đáo… Bên cạnh đó cũng có những tiếc nuối, trăn trở khi những mối thân tình trước đây nay trở nên xa lạ, vì những khúc mắc, thiếu thốn thời gian, thiếu sự chú ý dành cho nhau.

Các nhóm nhỏ trong World Cafe

Một điều đặc biệt làm nên giá trị cho buổi sinh hoạt là có sự tham gia của các cô, chú, những người đã đi trước bọn mình rất nhiều năm. Những chia sẻ, câu chuyện của các cô, chú đã cho chúng mình thấy thêm những bài học, góc nhìn khác nhau về mối quan hệ trong cuộc sống. Những bài học mà có thể nhiều năm nữa chúng mình sẽ trải qua. Nhưng cho dù ở độ tuổi nào, thì mọi người cũng đều có chung mong muốn xây dựng, duy trì, sửa chữa những mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Kết bạn với người lạ thường chỉ bắt đầu đơn giản bằng một nụ cười, một lời tán dương hoặc một câu chuyện phiếm. Nhưng để duy trì mối quan hệ thân quen cần vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Kết thúc buổi sinh hoạt, chúng mình đã cùng nhau khám phá những điều cần thiết để duy trì một mối quan hệ từ xa lạ thành thân quen và ngày càng trở nên thân thiết. Những điều này có thể bắt đầu từ ý định tốt đẹp dành cho nhau, những cuộc đối thoại cởi mở, chân thành, sự tin tưởng, chú tâm, lòng bao dung, biết ơn, trân trọng và tự hài lòng với những gì đang có…

Câu hỏi mời gọi và thu hoạch cuối buổi về những thực hành giúp duy trì mối quan hệ thân quen

Sau buổi sinh hoạt lần này chúng mình nhận thấy có 2 câu hỏi đang chờ được khởi xướng cho các buổi tiếp theo.

1. Tại sao chúng ta lại thấy khó mở lời hỏi nhờ giúp đỡ?

2. Tại sao nam giới lại ít tham gia vào các hoạt động trò chuyện, kết nối như các hoạt động gathering hôm nay?

Nếu bạn thấy những câu hỏi này chạm đến mình, và muốn khởi xướng trong thời gian tới thì đừng quên loa lên cho bọn mình cùng tham gia nhé.

Hosting team lần này rất biết ơn sự hỗ trợ từ những người đi trước để việc thực hành Art of Hosting luôn được tiếp diễn.

Dòng chảy cộng đồng thực hành

Dòng chảy cộng đồng thực hành

Sau khi khóa tập huấn Art of Hosting kết thúc, cộng đồng thực hành ở Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng như online đã có những thời gian gặp gỡ nhau, cùng ôn lại những trải nghiệm, bài học cũng như mong muốn bước đi cùng nhau như thế nào trong tương lai gần. 

Cộng đồng thực hành Vòng tròn Circle Way Practitioner Vietnam cũng có một buổi gặp gỡ online giữa các thành viên mới và cũ có cùng trải nghiệm Art of Hosting đợt vừa rồi để cùng nhau nhìn lại và chia sẻ về câu hỏi mời gọi:

"Điều gì đã mở ra khi Art of Hosting 2024 khép lại?"

Cảm ơn các thành viên (chị Ái, chị Linh, chị Tâm, chị Trang, Duy, Sơn Hà, Ân, Hồng Anh, Nga) đã có mặt cùng vòng tròn chiêm nghiệm về hành trình AOH vừa rồi của chúng ta ở Bái Đính, Ninh Bình.

Với câu hỏi mời gọi, “Điều gì đang mở ra khi Art of Hosting 2024 khép lại?” làm trung tâm, cả vòng tròn đã có một vòng check-in rất dài để nghe nhau với câu hỏi đầu tiên: “Kể về 1 điều thú vị đã và đang diễn ra trong cuộc sống của mình sau Art of Hosting Training.”

Những thay đổi nhỏ to được kể lại trong vòng tròn để từng người được nhận ra, à thì ra, trải nghiệm của mỗi người đều thật khác. Ở mỗi nơi mình sống và làm việc, trải nghiệm Art of Hosting đã mang lại một món quà cho chính họ để bản thân học cách host chính mình. Có người lại mang theo về những vỡ vạc về cách mình “học” nhận sự chăm sóc từ người khác. Có người thì mau mắn đem những thực hành nho nhỏ để tạo không gian cho người khác.

Sau vòng check-in, cả nhóm đã có thời gian ngồi bên nhau theo cặp để kể chuyện lâu hơn một chút: “Kể lại một khoảnh khắc đã kết nối mình với một điều ý nghĩa/quan trọng của bản thân trong qúa trình diễn ra Art of Hosting?”

Khi quay trở lại vòng tròn lớn, có những đau đáu được chia sẻ trong vòng tròn về ý định được mời gọi những ai quan tâm về vấn đề biến đổi khí hậu, được cùng san sẻ và nói với nhau về cách chúng ta có thể chung sống với thiên nhiên, cũng như chung sống với những biến đổi khắc nghiệt đang xảy ra từng ngày.

Có thêm một ý định khác về việc mong muốn được nghe và học hỏi về cách host bản thân khi đang ở cùng người khác. Làm sao có thể giữ và thực hành tinh thần Art of Hosting khi đang ở cùng một nhóm người, và khi cảm xúc của mình dễ bị tác động?

Cả nhóm đã quyết đinh nán lại thêm 15 phút để nghe được nhau trọn vẹn và cùng check-out với câu hỏi: “Mình gói điều gì mang về sau vòng tròn ngày hôm nay?”

Mọi người có thể tham khảo thu hoạch từ chị Trang trong ảnh đính kèm. Cảm ơn chị Trang đã hỗ trợ thu hoạch, và cảm ơn Sơn Hà đã đồng hành bảo hộ vững vàng cùng anh trong vòng tròn hôm đó.

-Nam Taro-

Chiêm nghiệm nối tiếp chiêm nghiệm

Chiêm nghiệm nối tiếp chiêm nghiệm

Điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?

Trong vòng tròn của phòng tiêu chuẩn (dorm) 118, các thành viên đã chủ động thực hành 4 nếp (gấp), kĩ thuật Neo giữ không gian thông qua việc lắng nghe và chia sẻ nhu cầu lúc 10:30 đêm sau khi tham gia buổi Ăn mừng (chỉ có mừng chớ hẻm có ăn (tiệc) nhưng vui phát rồ (nhất là đội thua trong cuộc chiến Tên ải tên ai).

Chúng mình chọn ngồi lại cùng nhau trong không gian bao chứa vì muốn học hỏi từ trải nghiệm tham dự vào nhiều workshop khác nhau. Và trên hết, tụi mình muốn là được hiện diện cùng nhau trong dòng chảy cảm xúc “ta thuộc về nhau” trỗi dậy mạnh mẽ.

Tụi mình cũng có những phút giây tranh luận (nảy lửa). Nhưng rồi bằng nguồn cảm hứng của việc thực hành vai trò Người chăm sóc, người nhận sự chăm sóc, Người tự chăm sóc và Cộng đồng tự chăm sóc nhau, rất nhiều tiếng chuông cũng như vùng cam và đỏ – trong xác lập ranh giới an toàn trong mối quan hệ), những điều cần nói và muốn nói đã được nói ra với sự để tâm, được lắng nghe với sự chú tâm.

World cafe, Open Space Technology, các workshops nhỏ với nhiều chủ đề thú vị đã để lại dấu ấn sâu sắc với một số thành viên. Khi trải nghiệm đó được đúc rút và chia sẻ, chúng giúp cho một số thành viên khác được nhìn lại hành trình của mình và nhờ đó, họ có khoảnh khắc loé sáng (đầy hứng khởi). Sau cuối, tụi mình cũng hoan hỉ đi ngủ lúc 11:45 và hứa hẹn ngày mai, lúc ăn bữa cơm trưa sau chót sẽ chụp tấm hình đủ 9 người.

Cơ mà, bức hình đủ 9 con giời từ 3 vùng miền đã không được tạo ra vì đứa nào cũng mải ăn và nói! =)) Kể cả lúc thực hành Ăn trong chú tâm 5 phút cũng chẳng có đứa nào dành một sợi dây thần kinh để nhớ vụ ảnh ọt. Có lẽ, não chỉ tập trung cầu cho chuông reo hết giờ.

Đã sắp một tuần trôi qua kể từ lúc ôm nhau theo kiểu Brazil (ít nhất 3 người khác nhau), nhưng lúc này các khung lý thuyết, những tinh thần được trao truyền rất khác từ các người giữ lửa của chương trình Nghệ thuật chủ trì và Thu hoạch những cuộc hội thoại có ý nghĩa mới bắt đầu chảy thật chậm rãi bên trong mình.

Khi nhìn sâu hơn vào Art of Hosting, mình nhìn thấy sự giao thoa của nhiều chương trình khác mà mình được tham gia, từ Community Collaboration (MCH), Arts For Good (SIF), Search Inside Yourself (SIYLI). Tất nhiên, sẽ có những lúc mình rên rỉ, vò đầu bức tai đúng kiểu khởi sinh phải đi qua xáo trộn! Nhưng vì AoH có thể thực hành chỉ với những người sống quanh tôi. Những câu hỏi tinh quái/ đầy quyền năng hay bậc đá Chaordic, hoặc Pro-action cafe… thực sự có thể tạo nên bước nhảy vọt từ việc dành 10-15 phút/ ngày để nghiền ngẫm, thực hành.

Mình cảm thấy vô cùng biết ơn sự dấn thân, cống hiến, nuôi dưỡng và trí tuệ của nhóm chủ trì và 3 vị giữ lửa cho AoH 2024. Nhờ có sự tận tâm, chu đáo trong nếp Người chăm sóc của chú/ cô/ anh/ chị/ em mà mình đã được khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Người được chăm sóc. Và dù mình tin, mọi người sẽ luôn tự thực hành vai trò Tự chăm sóc cũng như nâng đỡ để Cộng đồng tự chăm sóc nhau, mình cũng dành nhiều hơn một sợi dây thần kinh và 1/4 trái tim để quan sát và chăm sóc các thành viên trong nhóm chủ trì khi có thể.

 

(c): ảnh mình chụp trong phần thực hành Nature Walk với suy nghĩ “điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?”

-Ai Van-

“Alo, celebrate đi Chị ơi”

Trước AoH, tôi có đặt cho mình một câu hỏi “Liệu có cách nào để vận hành lớp với ít hơn sự có mặt của mình không?”

Trong những cuộc trò chuyện đầu tiên với học viên diễn ra hôm qua, sau một tuần hoàn toàn vắng mặt, tôi thực sự rất bất ngờ với những khác biệt của mọi người. Tôi nhìn thấy sự thoải mái của bạn nói về chủ đề mà tuần trước tôi còn thấy bạn chật vật và căng thẳng. Tôi nhìn thấy sự hào hứng của một người khác kể về “aha moment” khi nhìn thấy giá trị của việc lặp lại, và niềm tin vào việc luyện tập. Những thay đổi trong tư duy học rõ nét khi mọi người được tạo không gian cho việc tự học được thực hành.

Suốt những năm làm giáo viên, tôi bị mâu thuẫn trong cách mình vận hành lớp học. Ước mong lớn nhất của tôi là nhìn thấy học viên có thể tự bước đi, nhưng lại ép mình đóng vai trò là người cầm tay chỉ việc. Tôi thấy áp lực trong việc đẩy học viên theo đúng lộ trình được vạch ra từ đầu, khi rõ ràng mỗi người có cách tư duy, tốc độ, và phong cách học rất khác nhau. Tôi thấy bất an khi mình không ở đó, và lo sợ người học sẽ đi chậm lại nếu vắng mặt mình.

Sau AoH, câu hỏi tôi muốn đặt lại là “Làm sao để mời sự tự học trong mỗi học viên, mà mình sẽ đóng vai trò là người đồng hành, hơn là định nghĩa giáo viên mà tôi đang giữ?”

Đường đi hình như đã mở ra dù vẫn còn vài điều chưa chắc chắn. Nhưng đây sẽ là thực hành đầu tiên, tôi sẽ tập tin tưởng vào học viên, như cách mà bạn nhắc lại tối qua: “Chị sẽ tin tưởng vào tiến trình và người đồng hành cùng mình”

Đang muốn nhắn cho Chị là: “Alo, celebrate đi Chị ơi”, nhưng biết là Chị đang bận.


📸
Trời xinh, và Hân cũng vậy 😌

-Hân Phạm-

Chúc bà con thu hoạch hiệu quả!!!

Hôm bữa mình có tham gia một lớp tập huấn về facilitation ở cơ quan, bỗng nhớ ra mình muốn dông dài mấy dòng về Thu hoạch. Trong Cẩm nang Đồng hành của AoH2024 mô tả như sau:

“Cộng đồng Art of Hosting đã ứng dụng thuật ngữ “thu hoạch” để miêu tả quá trình thu thập hoặc lưu giữ lại đầu ra/kết quả của các cuộc trò chuyện được chủ trì. Phép ẩn dụ tự nhiên này đáp ứng được sự phức tạp mang tính hệ thống của nhiệm vụ phải thực hiện. Nghệ thuật chủ trì và nghệ thuật thu hoạch như hai nửa của một tổng thể, song hành với nhau trong một điệu vũ.

Thu hoạch không chỉ là ghi chép. Để hiểu được sự phức tạp của nghệ thuật này, chúng ta hãy sử dụng hình ảnh một cánh đồng trồng lúa. Cánh đồng đó có thể được thu hoạch như thế nào? Trước hết ta hình dung một người nông dân sử dụng máy móc để gặt lúa, đập lúa và tách lấy thóc. Người nông dân có thể lựa chọn dự trữ lúa ở dạng thóc hay xay xát thành gạo, lựa chọn bán ngay hoặc lưu kho để đợi bán giá tốt hơn.”
“Tập hợp những nguyên tắc thực hành có thể ứng dụng vào quá trình thiết kế chiến lược thu hoạch cho các tiến trình đồng kiến tạo được viết tắt là PLUME (lông vũ), bao gồm Participatory (Đồng kiến tạo), Learning (Hỗ trợ sự học), Useful (Hữu dụng), Multi-modal (Đa phương thức) và Emergent (Khởi sinh).”

Theo những nguyên tắc trên, khi thu hoạch lúa thì mình cần có sự cùng-tham-gia của nhiều người, trong gia đình và trong cộng đồng. Ngày trước (mà có khi cả bây giờ), bà con vẫn còn đi cấy đổi công cho nhau, ấy là biểu hiện của sự hợp tác. Đồng-kiến-tạo còn thể hiện ở chỗ hộ gia đình, hợp tác xã, hay một cộng đồng có thể cùng nhau thảo luận để xem mình nên bán lúa/thóc cho ai, bán giá bao nhiêu, thay vì các nỗ lực cá nhân riêng lẻ để rồi bị ép giá.

Hỗ trợ sự học thì cũng rất quan trọng với thu hoạch cây trồng. Trong quá trình thu hoạch, người nông dân, các nhà khoa học, khuyến nông, quản lý đều có thể rút kinh nghiệm khi đón nhận thành quả. “Ồ, vụ này bón ít phân đạm đi, mà thu về cũng tốt lắm đó nha anh Tám” là một trong những câu mà mình thường nghe thấy trên đồng lúa chín. Hay “Vụ sau chắc tui thử áp dụng quy trình như nhà bác Năm coi, nghe đâu bán được giá cao hơn đó?” cũng là một ví dụ khá điển hình.

Hữu dụng thì đương nhiên rồi. Thu hoạch gạo để ăn, để bán, thu hoạch rơm để tái sử dụng sản xuất nấm rơm, làm nhiên liệu. Bán tươi thì cứ cắt rồi để lên bờ, thương lái tới tận ruộng mà mua. Còn mang về nhà trữ thì nhớ đóng vào bao cho tiện vận chuyển. Hữu dụng cũng nên đi cùng với hiệu suất.

Đa phương thức cũng khá rõ. Thu hoạch bằng các biện pháp thủ công, bằng liềm bằng hái. Hay thu hoạch bằng những thiết bị cơ giới hóa hiện đại, thậm chí được điều khiển hoàn toàn bằng AI. Quan trọng là chọn được công cụ hay phương thức phù hợp nhất với người tham gia.

 

“Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng trong thực hành đồng-kiến-tạo, thu hoạch cũng là một tiến trình có tính khởi sinh. Ngay cả khi có hình dung rõ ràng về cách mình sẽ thu hoạch và lưu giữ những bài học, góc nhìn, hành động và dữ liệu từ một tiến trình, chúng ta vẫn cần cho phép sự trỗi dậy của những nội dung có tính khởi sinh.”

Thu hoạch lúa xong không có nghĩa là dừng ở đó. Nếu bán được giá, chủ đề tiếp theo mà bà con hay nghĩ tới là sẽ chi tiêu ra sao với phần thu nhập vừa tạo ra, cho thằng cu đi học, hay mua cái xe Honda mới. Đơn giản nhất, với những cộng đồng vẫn còn truyền thống lưu giữ giống, những hạt giống tốt nhất sẽ được giữ lại, để tiếp tục khởi sinh ra một vụ mùa mới, cùng nhau.

Photo credit: Chris Corrigan

-Trung Slim-

Take care of yourself, Take care of this community

Gần 1 tuần sau khi kết thúc Art of Hosting Training Việt Nam lần thứ 5, thứ còn đọng lại trong mình nhiều nhất là những khoảnh khắc mình được làm việc cùng nhau và được sống cùng nhau.

Bức ảnh mô tả điều này rõ nhất trong mình. Trong cùng một không gian cộng đồng, mỗi người đều được “là mình” theo cách của riêng họ. Và mỗi người được chọn để làm điều họ cảm thấy ý nghĩa nhất vào lúc đó.

Có những con người đang hân hoan ngồi lại hòa ca đầy cảm xúc, có những con người đang làm nốt công việc cần làm để chuẩn bị cho ngày tiếp theo, có những con người sau khi tàn tiệc thì đã đi nghỉ sớm.

Trong một cộng đồng, bạn học cách để chăm sóc cho bản thân bạn và hiểu rõ bản thân cần gì vào lúc này. Bạn cũng học cách để hiểu và tôn trọng nhu cầu của những người xung quanh. Vẻ đẹp của sự tự tổ chức (self-organization) là khi chẳng có ai vẽ ra cho ai chúng ta “phải” làm gì, từ việc “hiểu” và “tôn trọng”, mỗi cá nhân chọn để ở vị trí phù hợp với họ nhất.

Ở chính vị trí đó, họ được chăm sóc và họ cũng sẵn lòng chăm sóc người khác.

Vì thế, dù cho hoạt động là gì trong bức tranh này, điều mình cảm thấy là niềm vui và sự nhẹ nhõm. Mình được “chăm sóc” bởi tiếng hát của mọi người, và thấy vui vì mọi người đang tận hưởng những khoảnh khắc cùng nhau đó. Còn mình và một số thành viên khác cũng đang tận hưởng cảm giác hoàn thiện một công việc, thấy tự hào vì từng mảnh ghép đã được đóng góp bởi các thành viên đang gắn kết thành một bức tranh tổng thể.

Và ở giữa bọn mình, có những người sẵn sàng chạy ra để giúp gắn một bức vẽ lên cao, có người đi loanh quanh ở cả hai bên vừa tận hưởng chút cồn vừa khúc khích cười với những câu bông đùa.

Đến tận bây giờ, mình vẫn luôn cảm thấy không gian cộng đồng này rất siêu thực: Vì ở đó, mình được thực hành “là mình” một cách trọn vẹn nhất, rũ bỏ áp lực mình “phải” làm gì đó vì mọi người đang làm vậy, và cho mình được ở nơi mình muốn ở nhất.

Nơi đó, mình thuộc về mình, trong lòng cộng đồng.

-Nam Taro-