Viết bởi Nam Taro

Tham gia Art of Hosting Training lần đầu tiên vào năm 2018 vì niềm đam mê với Phương Pháp Vòng Tròn từ trước đó và mong muốn được trải nghiệm trực tiếp cùng những thực hành viên gạo cội cũng như những phương pháp phức tạp hơn, cho đến khi quay về từ chương trình Art of Hosting năm nay, mình càng tin rằng đây là một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất trong 30 năm cuộc đời.

Đây là chương trình training không giống bất kì các chương trình training nào: Trong hầu hết tất cả các hoạt động, việc học được đồng kiến tạo qua những câu hỏi ý nghĩa và những cuộc hội thoại mà ở đó chính mỗi người tham gia được tạo cơ hội để mang tiếng nói của mình đóng góp cho trí tuệ tập thể. Từ những phút giây đầu tiên ở bên nhau trong vòng tròn lớn, tất cả cùng nhau cam kết 5 nguyên tắc cơ bản để thực hành “sống trong cộng đồng” xuyên suốt 4 ngày 3 đêm tại Ninh Bình:

(1) “Lắng nghe với sự chú tâm“: Nghe để hiểu, để kết nối và không ngắt lời.

(2) “Chia sẻ với sự để tâm“: Nói từ sự chân thật, chân thành và ý định rõ ràng.

(3) “Quan tâm đến lợi lạc chung của nhóm“: Quan sát ảnh hưởng của bản thân mình (năng lượng, ý định) lên các thành viên khác, từ đó những điều chỉnh phù hợp để đóng góp tốt nhất cho nhóm.

(4) “Mời gọi sự cởi mở và trí tò mò“.

(5) “Hỏi điều mình đang cần, cho cái mình có thể“.

5 nguyên tắc tưởng như đơn giản nhưng đến khi chúng ta bị cuốn vào guồng quay của sự lo lắng, bảo vệ quan điểm, chứng tỏ bản thân và bắt đầu “giẫm chân lên lời nói của nhau”, hay bỏ rơi nhau trong hành trình đồng kiến tạo, chúng ta mới thấm thía sức mạnh của những thực hành đơn giản như thế.

Hành trình 4 ngày 3 đêm đối với mình là những lần nhắc nhớ nhau thực hành những nguyên tắc trên và quan sát những điều kì diệu mà chỉ khi con người sẵn lòng cởi mở để học hỏi từ nhau mới có thể dẫn đến những bài học sâu sắc mang tính biến đổi. Trước khi bước vào chương trình, mình hỗ trợ mọi người lập một danh mục các từ ngữ chuyên môn cơ bản về tinh thần “hosting”. Quá trình này cũng là lúc mình được nhắc nhớ về tinh thần “thực hành” (practice) – một từ đơn giản nhưng hàm chứa giá trị căn bản nhất của cộng đồng bọn mình:

“Động từ ‘thực hành’ nghĩa là thực hiện lặp đi lặp lại hoạt động hay kĩ năng nào đó để tiến đến hoặc duy trì sự thành thạo kĩ năng đó.

Khi host, chúng ta thực hành hosting, khi thu hoạch, chúng ta thực hành thu hoạch. Cách nói như vậy gợi chúng ta nhớ rằng mình không ngừng ở trong quá trình học hỏi.”

Ứng vào năm nguyên tắc trên, ta có lời mời để “thực hành liên tục” sự lắng nghe, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau. Cốt cách của Art of Hosting không quá phức tạp, nhưng vẻ đẹp của nó nằm ở cam kết thực hành từ những điều vi tế nhất về mặt tinh thần và về mặt hành vi trong giao tiếp. Về mặt tinh thần, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo trong việc giao tiếp, sẽ có những lúc chúng ta va vấp và làm tổn thương nhau. Điều quan trọng là lựa chọn cam đảm để “quay lại tiếp tục thực hành”.

Về mặt hành vi, thực hành “hosting” từ cấp độ cá nhân và liên cá nhân là nền mòng cho những thay đổi lớn hơn về mặt hệ thống. Một hệ thống cởi mở với thay đổi chỉ khi mỗi tế bào nhóm biết cách tạo cơ hội để trò chuyện và trao đổi trí tuệ, cùng nhau chuyển hóa từ cấp độ nhỏ hơn. Các phương pháp quy mô lớn của Art of Hosting đều xây dựng dựa trên những nền móng này. Một hệ thống sống (living system) cần khỏe từ cấp độ tế bào., sẵn sàng làm việc cùng nhau và bồi đắp sức mạnh cho nhau.

Vậy để nói lại một cách ngắn gọn cho trải nghiệm 4 ngày 3 đêm của mình tại Art of Hosting Training năm nay: Đây là không gian để chúng ta thực hành việc sống trong cộng đồng cùng nhau – đây là nơi mỗi người được thử thách để đón những thế giới quan khác biệt, học hỏi từ mỗi lựa chọn trong giao tiếp và quan sát đóng góp của mình trong một hệ thống rộng lớn hơn.

Ở nơi đây, chúng ta không chỉ đặt câu hỏi “Ý định bạn có cho bản thân mình là gì?”, mà chúng ta còn luôn hỏi nhau “Ý định bạn có cho những người xung quanh ra sao?“. Đây là khởi đầu cho lời mời “thực hành” để sống, để chơi, để làm việc cùng nhau, và không hơn không kém, để được là mình trong một thế giới hướng đến sự tốt đẹp cho tất cả.

Đọc thêm: Để hiểu sâu sắc hơn về các nếp thực hành trong Art of Hosting, mời bạn đọc bài viết về Bốn nếp thực hành của tác giả Phạm Quang Linh.