Dòng chảy cộng đồng thực hành

Dòng chảy cộng đồng thực hành

Sau khi khóa tập huấn Art of Hosting kết thúc, cộng đồng thực hành ở Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng như online đã có những thời gian gặp gỡ nhau, cùng ôn lại những trải nghiệm, bài học cũng như mong muốn bước đi cùng nhau như thế nào trong tương lai gần. 

Cộng đồng thực hành Vòng tròn Circle Way Practitioner Vietnam cũng có một buổi gặp gỡ online giữa các thành viên mới và cũ có cùng trải nghiệm Art of Hosting đợt vừa rồi để cùng nhau nhìn lại và chia sẻ về câu hỏi mời gọi:

"Điều gì đã mở ra khi Art of Hosting 2024 khép lại?"

Cảm ơn các thành viên (chị Ái, chị Linh, chị Tâm, chị Trang, Duy, Sơn Hà, Ân, Hồng Anh, Nga) đã có mặt cùng vòng tròn chiêm nghiệm về hành trình AOH vừa rồi của chúng ta ở Bái Đính, Ninh Bình.

Với câu hỏi mời gọi, “Điều gì đang mở ra khi Art of Hosting 2024 khép lại?” làm trung tâm, cả vòng tròn đã có một vòng check-in rất dài để nghe nhau với câu hỏi đầu tiên: “Kể về 1 điều thú vị đã và đang diễn ra trong cuộc sống của mình sau Art of Hosting Training.”

Những thay đổi nhỏ to được kể lại trong vòng tròn để từng người được nhận ra, à thì ra, trải nghiệm của mỗi người đều thật khác. Ở mỗi nơi mình sống và làm việc, trải nghiệm Art of Hosting đã mang lại một món quà cho chính họ để bản thân học cách host chính mình. Có người lại mang theo về những vỡ vạc về cách mình “học” nhận sự chăm sóc từ người khác. Có người thì mau mắn đem những thực hành nho nhỏ để tạo không gian cho người khác.

Sau vòng check-in, cả nhóm đã có thời gian ngồi bên nhau theo cặp để kể chuyện lâu hơn một chút: “Kể lại một khoảnh khắc đã kết nối mình với một điều ý nghĩa/quan trọng của bản thân trong qúa trình diễn ra Art of Hosting?”

Khi quay trở lại vòng tròn lớn, có những đau đáu được chia sẻ trong vòng tròn về ý định được mời gọi những ai quan tâm về vấn đề biến đổi khí hậu, được cùng san sẻ và nói với nhau về cách chúng ta có thể chung sống với thiên nhiên, cũng như chung sống với những biến đổi khắc nghiệt đang xảy ra từng ngày.

Có thêm một ý định khác về việc mong muốn được nghe và học hỏi về cách host bản thân khi đang ở cùng người khác. Làm sao có thể giữ và thực hành tinh thần Art of Hosting khi đang ở cùng một nhóm người, và khi cảm xúc của mình dễ bị tác động?

Cả nhóm đã quyết đinh nán lại thêm 15 phút để nghe được nhau trọn vẹn và cùng check-out với câu hỏi: “Mình gói điều gì mang về sau vòng tròn ngày hôm nay?”

Mọi người có thể tham khảo thu hoạch từ chị Trang trong ảnh đính kèm. Cảm ơn chị Trang đã hỗ trợ thu hoạch, và cảm ơn Sơn Hà đã đồng hành bảo hộ vững vàng cùng anh trong vòng tròn hôm đó.

-Nam Taro-

Chiêm nghiệm nối tiếp chiêm nghiệm

Chiêm nghiệm nối tiếp chiêm nghiệm

Điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?

Trong vòng tròn của phòng tiêu chuẩn (dorm) 118, các thành viên đã chủ động thực hành 4 nếp (gấp), kĩ thuật Neo giữ không gian thông qua việc lắng nghe và chia sẻ nhu cầu lúc 10:30 đêm sau khi tham gia buổi Ăn mừng (chỉ có mừng chớ hẻm có ăn (tiệc) nhưng vui phát rồ (nhất là đội thua trong cuộc chiến Tên ải tên ai).

Chúng mình chọn ngồi lại cùng nhau trong không gian bao chứa vì muốn học hỏi từ trải nghiệm tham dự vào nhiều workshop khác nhau. Và trên hết, tụi mình muốn là được hiện diện cùng nhau trong dòng chảy cảm xúc “ta thuộc về nhau” trỗi dậy mạnh mẽ.

Tụi mình cũng có những phút giây tranh luận (nảy lửa). Nhưng rồi bằng nguồn cảm hứng của việc thực hành vai trò Người chăm sóc, người nhận sự chăm sóc, Người tự chăm sóc và Cộng đồng tự chăm sóc nhau, rất nhiều tiếng chuông cũng như vùng cam và đỏ – trong xác lập ranh giới an toàn trong mối quan hệ), những điều cần nói và muốn nói đã được nói ra với sự để tâm, được lắng nghe với sự chú tâm.

World cafe, Open Space Technology, các workshops nhỏ với nhiều chủ đề thú vị đã để lại dấu ấn sâu sắc với một số thành viên. Khi trải nghiệm đó được đúc rút và chia sẻ, chúng giúp cho một số thành viên khác được nhìn lại hành trình của mình và nhờ đó, họ có khoảnh khắc loé sáng (đầy hứng khởi). Sau cuối, tụi mình cũng hoan hỉ đi ngủ lúc 11:45 và hứa hẹn ngày mai, lúc ăn bữa cơm trưa sau chót sẽ chụp tấm hình đủ 9 người.

Cơ mà, bức hình đủ 9 con giời từ 3 vùng miền đã không được tạo ra vì đứa nào cũng mải ăn và nói! =)) Kể cả lúc thực hành Ăn trong chú tâm 5 phút cũng chẳng có đứa nào dành một sợi dây thần kinh để nhớ vụ ảnh ọt. Có lẽ, não chỉ tập trung cầu cho chuông reo hết giờ.

Đã sắp một tuần trôi qua kể từ lúc ôm nhau theo kiểu Brazil (ít nhất 3 người khác nhau), nhưng lúc này các khung lý thuyết, những tinh thần được trao truyền rất khác từ các người giữ lửa của chương trình Nghệ thuật chủ trì và Thu hoạch những cuộc hội thoại có ý nghĩa mới bắt đầu chảy thật chậm rãi bên trong mình.

Khi nhìn sâu hơn vào Art of Hosting, mình nhìn thấy sự giao thoa của nhiều chương trình khác mà mình được tham gia, từ Community Collaboration (MCH), Arts For Good (SIF), Search Inside Yourself (SIYLI). Tất nhiên, sẽ có những lúc mình rên rỉ, vò đầu bức tai đúng kiểu khởi sinh phải đi qua xáo trộn! Nhưng vì AoH có thể thực hành chỉ với những người sống quanh tôi. Những câu hỏi tinh quái/ đầy quyền năng hay bậc đá Chaordic, hoặc Pro-action cafe… thực sự có thể tạo nên bước nhảy vọt từ việc dành 10-15 phút/ ngày để nghiền ngẫm, thực hành.

Mình cảm thấy vô cùng biết ơn sự dấn thân, cống hiến, nuôi dưỡng và trí tuệ của nhóm chủ trì và 3 vị giữ lửa cho AoH 2024. Nhờ có sự tận tâm, chu đáo trong nếp Người chăm sóc của chú/ cô/ anh/ chị/ em mà mình đã được khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Người được chăm sóc. Và dù mình tin, mọi người sẽ luôn tự thực hành vai trò Tự chăm sóc cũng như nâng đỡ để Cộng đồng tự chăm sóc nhau, mình cũng dành nhiều hơn một sợi dây thần kinh và 1/4 trái tim để quan sát và chăm sóc các thành viên trong nhóm chủ trì khi có thể.

 

(c): ảnh mình chụp trong phần thực hành Nature Walk với suy nghĩ “điều gì sẽ làm trái tim mình rung lên khi nhìn lại?”

-Ai Van-

“Alo, celebrate đi Chị ơi”

Trước AoH, tôi có đặt cho mình một câu hỏi “Liệu có cách nào để vận hành lớp với ít hơn sự có mặt của mình không?”

Trong những cuộc trò chuyện đầu tiên với học viên diễn ra hôm qua, sau một tuần hoàn toàn vắng mặt, tôi thực sự rất bất ngờ với những khác biệt của mọi người. Tôi nhìn thấy sự thoải mái của bạn nói về chủ đề mà tuần trước tôi còn thấy bạn chật vật và căng thẳng. Tôi nhìn thấy sự hào hứng của một người khác kể về “aha moment” khi nhìn thấy giá trị của việc lặp lại, và niềm tin vào việc luyện tập. Những thay đổi trong tư duy học rõ nét khi mọi người được tạo không gian cho việc tự học được thực hành.

Suốt những năm làm giáo viên, tôi bị mâu thuẫn trong cách mình vận hành lớp học. Ước mong lớn nhất của tôi là nhìn thấy học viên có thể tự bước đi, nhưng lại ép mình đóng vai trò là người cầm tay chỉ việc. Tôi thấy áp lực trong việc đẩy học viên theo đúng lộ trình được vạch ra từ đầu, khi rõ ràng mỗi người có cách tư duy, tốc độ, và phong cách học rất khác nhau. Tôi thấy bất an khi mình không ở đó, và lo sợ người học sẽ đi chậm lại nếu vắng mặt mình.

Sau AoH, câu hỏi tôi muốn đặt lại là “Làm sao để mời sự tự học trong mỗi học viên, mà mình sẽ đóng vai trò là người đồng hành, hơn là định nghĩa giáo viên mà tôi đang giữ?”

Đường đi hình như đã mở ra dù vẫn còn vài điều chưa chắc chắn. Nhưng đây sẽ là thực hành đầu tiên, tôi sẽ tập tin tưởng vào học viên, như cách mà bạn nhắc lại tối qua: “Chị sẽ tin tưởng vào tiến trình và người đồng hành cùng mình”

Đang muốn nhắn cho Chị là: “Alo, celebrate đi Chị ơi”, nhưng biết là Chị đang bận.


📸
Trời xinh, và Hân cũng vậy 😌

-Hân Phạm-

Chúc bà con thu hoạch hiệu quả!!!

Hôm bữa mình có tham gia một lớp tập huấn về facilitation ở cơ quan, bỗng nhớ ra mình muốn dông dài mấy dòng về Thu hoạch. Trong Cẩm nang Đồng hành của AoH2024 mô tả như sau:

“Cộng đồng Art of Hosting đã ứng dụng thuật ngữ “thu hoạch” để miêu tả quá trình thu thập hoặc lưu giữ lại đầu ra/kết quả của các cuộc trò chuyện được chủ trì. Phép ẩn dụ tự nhiên này đáp ứng được sự phức tạp mang tính hệ thống của nhiệm vụ phải thực hiện. Nghệ thuật chủ trì và nghệ thuật thu hoạch như hai nửa của một tổng thể, song hành với nhau trong một điệu vũ.

Thu hoạch không chỉ là ghi chép. Để hiểu được sự phức tạp của nghệ thuật này, chúng ta hãy sử dụng hình ảnh một cánh đồng trồng lúa. Cánh đồng đó có thể được thu hoạch như thế nào? Trước hết ta hình dung một người nông dân sử dụng máy móc để gặt lúa, đập lúa và tách lấy thóc. Người nông dân có thể lựa chọn dự trữ lúa ở dạng thóc hay xay xát thành gạo, lựa chọn bán ngay hoặc lưu kho để đợi bán giá tốt hơn.”
“Tập hợp những nguyên tắc thực hành có thể ứng dụng vào quá trình thiết kế chiến lược thu hoạch cho các tiến trình đồng kiến tạo được viết tắt là PLUME (lông vũ), bao gồm Participatory (Đồng kiến tạo), Learning (Hỗ trợ sự học), Useful (Hữu dụng), Multi-modal (Đa phương thức) và Emergent (Khởi sinh).”

Theo những nguyên tắc trên, khi thu hoạch lúa thì mình cần có sự cùng-tham-gia của nhiều người, trong gia đình và trong cộng đồng. Ngày trước (mà có khi cả bây giờ), bà con vẫn còn đi cấy đổi công cho nhau, ấy là biểu hiện của sự hợp tác. Đồng-kiến-tạo còn thể hiện ở chỗ hộ gia đình, hợp tác xã, hay một cộng đồng có thể cùng nhau thảo luận để xem mình nên bán lúa/thóc cho ai, bán giá bao nhiêu, thay vì các nỗ lực cá nhân riêng lẻ để rồi bị ép giá.

Hỗ trợ sự học thì cũng rất quan trọng với thu hoạch cây trồng. Trong quá trình thu hoạch, người nông dân, các nhà khoa học, khuyến nông, quản lý đều có thể rút kinh nghiệm khi đón nhận thành quả. “Ồ, vụ này bón ít phân đạm đi, mà thu về cũng tốt lắm đó nha anh Tám” là một trong những câu mà mình thường nghe thấy trên đồng lúa chín. Hay “Vụ sau chắc tui thử áp dụng quy trình như nhà bác Năm coi, nghe đâu bán được giá cao hơn đó?” cũng là một ví dụ khá điển hình.

Hữu dụng thì đương nhiên rồi. Thu hoạch gạo để ăn, để bán, thu hoạch rơm để tái sử dụng sản xuất nấm rơm, làm nhiên liệu. Bán tươi thì cứ cắt rồi để lên bờ, thương lái tới tận ruộng mà mua. Còn mang về nhà trữ thì nhớ đóng vào bao cho tiện vận chuyển. Hữu dụng cũng nên đi cùng với hiệu suất.

Đa phương thức cũng khá rõ. Thu hoạch bằng các biện pháp thủ công, bằng liềm bằng hái. Hay thu hoạch bằng những thiết bị cơ giới hóa hiện đại, thậm chí được điều khiển hoàn toàn bằng AI. Quan trọng là chọn được công cụ hay phương thức phù hợp nhất với người tham gia.

 

“Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng trong thực hành đồng-kiến-tạo, thu hoạch cũng là một tiến trình có tính khởi sinh. Ngay cả khi có hình dung rõ ràng về cách mình sẽ thu hoạch và lưu giữ những bài học, góc nhìn, hành động và dữ liệu từ một tiến trình, chúng ta vẫn cần cho phép sự trỗi dậy của những nội dung có tính khởi sinh.”

Thu hoạch lúa xong không có nghĩa là dừng ở đó. Nếu bán được giá, chủ đề tiếp theo mà bà con hay nghĩ tới là sẽ chi tiêu ra sao với phần thu nhập vừa tạo ra, cho thằng cu đi học, hay mua cái xe Honda mới. Đơn giản nhất, với những cộng đồng vẫn còn truyền thống lưu giữ giống, những hạt giống tốt nhất sẽ được giữ lại, để tiếp tục khởi sinh ra một vụ mùa mới, cùng nhau.

Photo credit: Chris Corrigan

-Trung Slim-

Take care of yourself, Take care of this community

Gần 1 tuần sau khi kết thúc Art of Hosting Training Việt Nam lần thứ 5, thứ còn đọng lại trong mình nhiều nhất là những khoảnh khắc mình được làm việc cùng nhau và được sống cùng nhau.

Bức ảnh mô tả điều này rõ nhất trong mình. Trong cùng một không gian cộng đồng, mỗi người đều được “là mình” theo cách của riêng họ. Và mỗi người được chọn để làm điều họ cảm thấy ý nghĩa nhất vào lúc đó.

Có những con người đang hân hoan ngồi lại hòa ca đầy cảm xúc, có những con người đang làm nốt công việc cần làm để chuẩn bị cho ngày tiếp theo, có những con người sau khi tàn tiệc thì đã đi nghỉ sớm.

Trong một cộng đồng, bạn học cách để chăm sóc cho bản thân bạn và hiểu rõ bản thân cần gì vào lúc này. Bạn cũng học cách để hiểu và tôn trọng nhu cầu của những người xung quanh. Vẻ đẹp của sự tự tổ chức (self-organization) là khi chẳng có ai vẽ ra cho ai chúng ta “phải” làm gì, từ việc “hiểu” và “tôn trọng”, mỗi cá nhân chọn để ở vị trí phù hợp với họ nhất.

Ở chính vị trí đó, họ được chăm sóc và họ cũng sẵn lòng chăm sóc người khác.

Vì thế, dù cho hoạt động là gì trong bức tranh này, điều mình cảm thấy là niềm vui và sự nhẹ nhõm. Mình được “chăm sóc” bởi tiếng hát của mọi người, và thấy vui vì mọi người đang tận hưởng những khoảnh khắc cùng nhau đó. Còn mình và một số thành viên khác cũng đang tận hưởng cảm giác hoàn thiện một công việc, thấy tự hào vì từng mảnh ghép đã được đóng góp bởi các thành viên đang gắn kết thành một bức tranh tổng thể.

Và ở giữa bọn mình, có những người sẵn sàng chạy ra để giúp gắn một bức vẽ lên cao, có người đi loanh quanh ở cả hai bên vừa tận hưởng chút cồn vừa khúc khích cười với những câu bông đùa.

Đến tận bây giờ, mình vẫn luôn cảm thấy không gian cộng đồng này rất siêu thực: Vì ở đó, mình được thực hành “là mình” một cách trọn vẹn nhất, rũ bỏ áp lực mình “phải” làm gì đó vì mọi người đang làm vậy, và cho mình được ở nơi mình muốn ở nhất.

Nơi đó, mình thuộc về mình, trong lòng cộng đồng.

-Nam Taro-

Mỗi ngày là một điều tôi thấy

Mỗi ngày là một điều tôi thấy

"Nghe thật đơn giản mà càng thực hành càng thấy không hề giản đơn."

Hôm nay là ngày 1 của chương trình tập huấn Art of Hosting 4 ngày. Hơn 3h chiều mới bắt đầu và 6h kết thúc. Chỉ gần 3 tiếng với cả trăm con người gồm cả hosts và participants, vậy mà có biết bao điều đọng lại trong mình.

1 trong số đó là 2 nguyên tắc quen thuộc của phương pháp vòng tròn:

🌸 Listen with attention – Lắng nghe chú tâm
🌼 Speak with intention – Chia sẻ để tâm

Nghe thật đơn giản mà càng thực hành càng thấy không hề giản đơn ^^ Mình biết 2 nguyên tắc của vòng tròn này từ hồi học Knowmads team 7 năm 2016. Đó là lần đầu tiên trong đời được ngồi trong 1 vòng tròn. Lần đầu tiên cất tiếng nói chia sẻ mà ai cũng lắng nghe và không sợ ai bình luận gì. Cũng là lần đầu học cách lắng nghe người khác nói. Chỉ nghe mà thôi.

Sau 1 chặng rất rất dài học cách lắng nghe, đặc biệt từ ngày học coach, là 1 người coach, mình đã hiểu được lắng nghe với sự chú tâm là như thế nào, và đã làm tương đối tốt trong nhiều cuộc trò chuyện.

Nhưng đến hôm nay mới ngẫm nghĩ kĩ hơn về nguyên tắc “Speak with intention”. Ồ không hề dễ nha. Khi nói rất dễ bị theo quán tính, nói theo thói quen, thuận miệng thì nói. Hoặc nói 1 lúc thì hồi hộp quá, lo lắng quá… lại nói đi đâu.

Đấy là cái khó của việc làm chủ được cảm xúc và có chánh niệm khi nói. Thế còn việc mình đang nói với intention- ý định gì, thì lại cần hiểu bản thân và hiểu chủ đề đang nói.

Mình có đang nói để thắng?
Nói để thể hiện bản thân?
Nói để chỉ trích ai đó?
Mục đích mình đang nói THẬT SỰ là gì? Có hướng đến chủ đề và mục tiêu chung của nhóm hay không?

Rồi trong các cuộc nói chuyện hàng ngày. Mình nói với ý định gì liệu mình có để ý? Kể cả nói cho vui cho thoải mái cũng là 1 loại ý định.

Còn bài viết này mình viết với mục đích đầu tiên là duy trì bài đăng cho page :”) xong mở thư mục ảnh tìm chất liệu xem có gì hay ho để đăng. Rồi mới đến ý định tiếp là chiêm nghiệm về buổi training hehe

Mà Art of Hosting hay quá mọi người ạ. Cực kì đông người, vậy mà đang rào rào chia sẻ nói cười, chỉ cần hiệu lệnh đơn giản là người host giơ tay lên, ai nhìn thấy thì cũng giơ tay theo và ngừng nói. Chỉ vài giây là có 1 sự yên lặng phăng phắc mà yên ả. Lúc ấy mới biết lúc trước ồn ra sao.

Đấy chỉ là điều nhỏ xíu thôi ấy. Những thực hành để có những cuộc trò chuyện ý nghĩa, hiệu quả, trong sự quan tâm chăm sóc cho nhau và biết tự chăm sóc mình, mới là điều cực kì xịn 🥰 Lại còn những khác biệt về ngôn ngữ & văn hoá nữa chứ. Mọi thứ cứ diễn ra mượt mà, ấm áp & gần gũi.

Biết ơn quá vì cuối cùng đã được tham gia Art of Hosting.
Mong chờ ngày mai có gì hay mình lại chia sẻ tiếp nha 😊 (mà nguyên buổi chiều nay cũng nhiều điều để kể lắm rồi).

Mọi người đang thực hành Nghe và Nói tiếng Việt như thế nào ạ? 😊

-Bùi Quế Anh-

"Rất nhiều hy vọng đang được khởi lên"

Cuối cùng mình cũng được có mặt trong Art of Hosting năm nay, sau lần bỏ lỡ của đợt 2022.

Từ hôm qua đến giờ, mình kịp phỏng vấn vài người về lý do họ đến đây, (và với vài người thì là lý do họ quay lại).

người đi cùng cả team, họ làm việc trong 1 trường đại học quốc tế và cần thêm ý tưởng, công cụ để về tổ chức hoạt động cho sinh viên và cựu sinh viên.

Nhiều người từng là, hoặc đang là HR, tư vấn doanh nghiệp, đào tạo, phát triển con người, coaching, công tác xã hội… cần biết cách dẫn dắt và thu hoạch những cuộc trò chuyện để phục vụ cho công việc.

Có người, chỉ đơn giản là: tui quay lại đây vì dc gặp anh em, dc sống trong cái vibe đặc biệt mà khó có được ở nơi khác.

Hoặc, “anh quay lại đây vì lần trước anh đã biết chắc chắn là mình muốn tham gia lại lần tiếp theo. Và đây là lần tiếp theo nè”.

Và từ những chia sẻ đó, mình thấy rất nhiều hy vọng đang được khởi lên, vì cộng đồng AOH ngày một mở rộng và đang len lỏi vào nhiều dạng tổ chức khác nhau, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Điều này theo mình là tất yếu trong bối cảnh mọi thứ đều xáo trộn, bất ổn, các tổ chức buộc phải tìm ra cách làm mới, cách hợp tác mới để huy động trí tuệ tập thể thì mới giải quyết được những vấn đề của họ.

Những điều khiến mình thích thú trong 2 ngày đầu tiên?
– Bái Đính hotel đúng là địa điểm phù hợp đến mức khó thay thế, với phòng hội nghị sức chứa siêu rộng, phòng nghỉ khá ổn, không gian thoáng đãng trong lành
– Là chương trình training duy nhất đến giờ không khiến mình căng thẳng hay áp lực, mà thích thú khám phá từng trải nghiệm học tập từ sáng đến chiều
– Được gặp nhiều người siêu thú vị, và luôn tìm dc điểm chung nào đó: làm cùng ngành, cùng thích thứ gì đó, cùng biết ai đó, bạn đồng môn, cùng chung giá trị hoặc đích đến…

– Hoạt động World Cafe’ với 80 người là 1 trải nghiệm khá wow. Tui muốn đi hết các nhóm để nghe câu chuyện của họ.

– Xin thả 1000 tim cho Team thiết kế trải nghiệm và tiến trình học tập

– Và thả thêm 1000 tim cho team hậu cần khi phải hỗ trợ gần trăm người suốt 4 ngày, lại còn lo dịch song ngữ.

Cảm ơn vì mình được tới đây và sống trong bầu không khí này, để được nuôi dưỡng lại những giấc mơ, những gì thực sự muốn làm trong sự nghiệp của mình.

-Lương Hải Anh-

"Chung sống cũng dễ mà!"

Ngày 2 Art of hosting đọng lại trong mình gói gọn trong 2 từ này!

Khởi nguồn đến từ giả định rằng chúng ta, miễn là con người thì đều cần được “ở trong” một cộng đồng, và ở trong cộng đồng tức là chung sống!

Đó có thể là gia đình, có thể là môi trường làm việc chung, những đồng nghiệp, có thể là những người “hàng xóm” quanh khu phố mình sống….. và điều quan trọng là mình mong muốn sẽ có sự hoà hợp khi chung sống với những môi trường, cộng đồng này.

Câu hỏi đặt ra sẽ là:
➡️ Vậy làm thế nào để chúng ta có thể CHUNG SỐNG HOÀ HỢP?
➡️ Làm như thế nào để thực hành được CHUNG SỐNG?

➡️ Tôi cần điều gì để thực hành được CHUNG SỐNG?

Từ khoá mà mình thu hoạch được sau hoạt động thảo luận worldcafe là :
💛 ĐỐI THOẠI – Khi chiến tranh nếu con người dừng nói chuyện với nhau thì cái gì nói chuyện với nhau? (Bom đạn phải k?) Giữ sự đối thoại là chìa khoá quan trọng!
🧡 Ý ĐỊNH RÕ RÀNG – Để đối thoại có thể xảy ra và hiệu quả thì việc lựa chọn phương pháp đối thoại rất quan trọng, điểm neo giữ sự tập trung chính là Ý ĐỊNH (kết quả mong muốn) mình đang mang vào cuộc đối thoại.

❤️ LÒNG CAN ĐẢM – Cuộc đối thoại đôi khi (nếu không muốn nói là phần lớn) thường không hề dễ dàng, vì vậy can đảm dấn thân thử sức với đối thoại, khởi xướng, thảo luận và thu hoạch những cuộc trò chuyện, trao đổi quan trọng là rất quan trọng 😁 (và việc này cần được hỗ trợ bằng rất nhiều yêu tố)

CHUNG SỐNG được hình thành khi có nhiều hơn 1 người, và nó được khởi đầu một cách rất tự nhiên.

Chị Trang Hippo có đưa ra ví dụ về CHỢ dân sinh (một minh hoạ rất sống động cho phần chung sống).

KHỞI ĐẦU : chợ được hình thành một cách tự nhiên, không ai đứng ra quyết định rằng chúng ta cần làm chợ, cũng không ai phân công rằng người này bán cái này, người kia bán cái kia hay là khu vực bán nên ở chỗ nào —> SỰ HỖN LOẠN.

TIẾP THEO : tổng quan trong chợ các khu vực sẽ như sau, các mặt hàng tạp hoá thường bán ở cổng, khu bán rau, khu bán cá, khu bán thịt lợn, chứ không bán chung lộn xộn. Khu hàng ăn sẽ ở giữa chợ – mọi người ăn xong đi lượn 1 vòng mua sắm… những sắp đặt, phân khu này của chợ đến từ sự liên tục quan sát và nhận ra về cách vận hành của mỗi cá nhân và tập thể, xác định được những khuôn mẫu trong hành vi của mọi người khi có mặt và tương tác với nhau, từ đó linh hoạt điểu chỉnh dần.—> TRẬT TỰ.

TIẾP THEO : Khi sự trật tự lớn hơn nữa, nhu cầu kiểm soát lớn hơn thì siêu thị hình thành! Sẽ có 1 nhóm cấp cao quyết định sẽ sắp xếp khu vực bày hàng như thế nào và bán cái gì, bán số lượng bao nhiêu. Và họ có thể là chuyên gia trong lĩnh vực đó —> và SỰ KIỂM SOÁT xảy ra ở đây.

Khi sự kiểm soát trở nên quá lớn có thể dẫn để đứt gãy, phản kháng, khởi nghĩa, đấu tranh… đây là trạng thái Chamos (trạng thái chiến tranh, vô vọng, suy tàn) —> Hỗn loạn cực điểm.

Với CHUNG SỐNG được nhận thấy trong sự phát triển của CHỢ – mình thấy chung sống hoà thuận thực chẳng dễ chút nào 😁 khó để giữ sự cân bằng và sự vừa đủ!

Nhưng khi thu hoạch một ngày cùng những anh chị em cùng học thì lại thấy.. ỏ! Chung sống cũng dễ mà! 😜

-Phương Thảo-

"Cảm ơn tất cả những con người đã làm nên kỷ niệm đẹp này"

Cuối cùng sau nhiều lần lỡ hẹn, với sự trợ giúp của nhiều người, mình đã có mặt ở Art of Hosting năm nay, và là một trong tầm 100 người từ hơn 10 nước cùng nhau về một nơi để dành hẳn 3 ngày trọn vẹn học về “Chung sống”.

Đã có thật nhiều điều xảy ra mà mình cần thời gian để tải dần, chỉ để lại đây trước hết những điều mình thấy thật sự là “core memory” với mình:

🌿 Chương trình được tổ chức bằng tiếng Việt, có phiên dịch sang tiếng Anh:

Đây là năm đầu tiên điều này được diễn ra, và là sự khác biệt lớn với các chương trình khác mình tham gia. Trainers thì có cả người nước ngoài và người Việt. Với mình đó là một nỗ lực rất lớn của BTC, để bản địa hóa các tri thức, và thể hiện sự quan tâm và nâng đỡ tới cộng đồng thực hành ở Việt Nam.

Thực sự nếu hoàn toàn là tiếng Anh thì với khối lượng thông tin và cảm xúc lớn như vậy, mình sẽ cảm thấy rất đuối tại thời điểm này.

🌿 BTC và người tham gia mang nhiều “người thân” cùng đi học:

Ở đây mình gặp những gia đình cả bố mẹ con cái, cặp bạn đời, bạn thân, nhóm đồng nghiệp, hay thậm chí là ex… đi học cùng nhau, với sự cởi mở, nâng đỡ, và đón nhận nhau trong suốt quá trình.

Với mình đây là “thế giới trong mơ” đã thực sự trở thành hiện thực, và là nguồn cảm hứng cho mình để mang thực hành không chỉ vào trong công việc, mà cả trong đời sống cá nhân, với những người gần nhất với mình.

🌿 Lắng nghe chú tâm, chia sẻ để tâm (listen with attention, speak with intention):

Thật thú vị là mình đã được trải nghiệm cả hai trạng thái đối lập của vòng tròn, một là vòng tròn với sự lắng nghe và chia sẻ trọn vẹn, và hai là cũng lắng nghe chia sẻ nhưng thiếu cả sự chú tâm và để tâm.

Chính một trải nghiệm không dễ chịu đã khiến mình càng trân trọng hơn sự hỗ trợ mà mình nhận được ở vòng tròn trước đó.

Khi mà người bạn của mình, dù là người lạ hoàn toàn, nhưng khi nghe câu chuyện mình kể đã nói với mình chân thành: “You deserve to be here” (Bạn xứng đáng được ở đây), và đó là điều khiến mình thực sự cảm động.

Và kể cả trải nghiệm không giống hình dung ban đầu của mình lắm, thì mình cũng lại một lần nữa được nhắc nhở rằng chúng ta có thể phóng chiếu những cảm xúc khó và tổn thương lên nhau nhiều đến thế nào.

🌸 Art of Hosting với mình không chỉ là một kho công cụ giá trị, mà là lối sống đẹp khiến mình tin rằng, cứ thêm một người học và thực hành, là thêm một người có khả năng tự hàn gắn, và lan tỏa tinh thần chăm sóc, đón nhận đến cộng đồng gần gũi với họ.

Và nhờ Art of Hosting, giờ đây mình có thêm bạn Van người Cambodia gọi mình là “sister”, bạn Văn nhỏ tuổi khiến mình ngạc nhiên trước khả năng thấu cảm ở mức trưởng thành, và những người anh chị em khác mà từ giờ mình có thể coi họ là “cộng đồng AoH” thân thương của mình.

🌸 Cảm ơn tất cả những con người đã làm nên kỷ niệm đẹp này ❤

 

Một lần nữa mình dành lời ngưỡng mộ tới BTC những người đã tổ chức chương trình thật chuyên nghiệp và tử tế, tận tâm: Bác Steve, anh Narayan, cô Caroline, Trang Hippo, chị Lannah, Ellie, Linh Batman, Nam Taro, anh Trung Slim, chị Khuyên, Vân Trang, Mai Phương, Thắm, anh Lâm, Tâm… (sorry nếu mình lỡ quên tên ai nha :x).

Mong chúng ta có thể sống an lành hơn với những “neighbours” của mình, và mở ra được thêm thật nhiều những cuộc trò chuyện có ý nghĩa.

-Wendy-

Khoảng khắc cho đi là khoảnh khắc nhận lại

Khoảng khắc cho đi là khoảnh khắc nhận lại

Hành trình thực hành của chúng ta bắt đầu rồi!

4 ngày học “Nghệ thuật Chủ trì và Thu hoạch những cuộc hội thoại có ý nghĩa” trôi qua nhanh nhưng thật trọn vẹn. Khoá học bắt đầu bằng câu hỏi: “Làm thế nào để tìm lại và nuôi dưỡng nghệ thuật chung sống?” và kết thúc bằng câu hỏi “Đâu là món quà mà khi trở về, bạn sẽ trao tặng cho những người hàng xóm của mình?”

Mình đã có nhiều hành trang mang về và thật nhiều những khoảnh khắc xúc động. Mong cho những hạt mầm đã được gieo trong mình sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, nảy mầm và nở hoa. Cảm ơn tất cả những người bạn từ nhiều tỉnh thành, nhiều quốc gia đã cùng chung sống với nhau đầy tử tế trong suốt những ngày qua. Hành trình thực hành của chúng ta bắt đầu rồi!

-Tran Hoang-

"Không có chứng chỉ vì là thực hành mỗi ngày, là một 'lối sống."

Với gần 100 con người đủ mọi quốc gia/thành phần/Ngành nghề/tuổi tác là những người Huấn Luyện Quốc Tế và những tham dự viên, được quy tụ để trải nghiệm 4 ngày tập huấn chất lượng tại Khách Xá Bái Đính – Ninh Bình.

Chúng tôi được học các ‘tư duy nền tảng’, được thực hành, được tham gia dẫn dắt các kỹ thuật The Circle Way, World Cafe, Open Space, Pro-action cafe, story trios, knowledge expedition, powerful question theo mô hình hơi thở, the art of harvesting/meta harvest, các kiểu check-in/out và reflection rất chạm. Chủ đề để thực hành kiến thức và hơn 12 kỹ thuật này là ‘Làm thế nào để muôi dưỡng và tìm lại nghệ thuật sống chung’.

Để thực hiện được điều này trong 4 ngày, chúng tôi được mời gọi đăng ký để trở thành người host, caller, harvesting team…Ai phụ trách phần nào, sẽ được coach hướng dẫn và tự chia việc vào buổi trước đó. Buổi học từ 8:30 đến 17:00, nhưng trước và sau đó có những ‘lời mời’ mở workshop cùng học/chia sẻ/coach đủ chủ đề thú vị…

Điều thú vị khi chương trình gần khép, bác Steve thông báo là không có chứng chỉ vì là thực hành mỗi ngày, là một ‘lối sống. Hãnh diện, vì công đồng AOH VN đã bắt từ 2016, đợt này, có nhiều tham dự viên là Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia…. tham dự như là những nhân tố đầu tiên của quốc gia họ.

-Diem Chau Tran-

Những ngày ngắn ngủi làm con mắt thêm sáng rõ và đôi chân biết điệu nhảy tiếp theo như thế nào. Vẻ đẹp của những cuộc hội thoại nằm trong hơi thở của trái tim biết hát.

-Quach Duy Chung-

Một trong những hành trình đi học đáng nhớ nhất, thú vị nhất.

Hai ngôn ngữ từ gần 10 quốc tịch.

“Ba mươi sai? À à biết 30Shine!” là câu nghe lại nhiều nhất sau mỗi lần giới thiệu.

Bốn ngày học vừa dài mà trôi qua cũng thật nhanh.

Vừa cố gắng hiện diện với cộng đồng vừa tranh thủ vẫn 2-3 cuộc gọi/họp online về “nhà” mỗi ngày. 30Shine vẫn hành quân thần tốc cho tầm nhìn 5 năm.

Hàng chục kết nối mới cực kỳ chất lượng. Từ những “già làng”, giáo viên, huấn luyện viên, chuyên gia nhân sự, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… cho đến giám đốc vận hành khu vực công ty đa quốc gia (làm sao những con người của tư duy chặt chẽ, quy trình lại gặp được nhau ở nơi chảy trôi này nhỉ?).

Và tất cả đều là “hàng xóm”, là 1 phần của cộng đồng.

-Ngô Quân-

Training lần này đẹp như một cánh rừng. Weaving the art of neighbouring.

-Tham Tran-

Joy to contribute others
Happiness of the moment laughing hard together
Taking responsibility to host myself
Being aware of my boundary
Seeing what I need at this moment
Then asking the support from others (they would be happy to support you because it definitely meets their needs of contribution as well)
Seeking the possibilities of the silence with intentions
Asking myself “tell me more” with curiosity no matter what kind of feelings/thinking I have
Community has a power hosting itself
In my being there’s a fire, and I have the power
[Emerging questions in me]
What is my life like to be if I see myself as a good neighbor and see the neighbor as a part of myself?
Heart drives, Head structures, Hands makes. Which order you get used to and which order is more natural and gives the life force energy to you?
What will come to you next? ( I am excited for tomorrow!)

-Mugino Tamaki-

Learning to listen deeply and co-create understanding within a community has never been more insightful.

-Luu Ngoc Lan-

"Niềm tin."

Trở về nhà sau Art of Hosting, dù đã rất mệt vì di chuyển, tôi không cách nào ngủ được. Sống động và dồn dập, những hình ảnh, cảm xúc, những bài học vỡ ra trong suốt hành trình liên tục lướt ngang tâm trí. Tôi nhìn thấy những đổi thay chuyển động trong mình, rõ ràng, và chân thực, đến mức tự thấy ngỡ ngàng. Những nút thắt trong lòng lần lượt được cởi bỏ. Lời Anh nói một lần nữa vang trong đầu “Khi một điều vỡ ra, những thứ khác sẽ tới rất nhanh mà em không cách nào ngăn lại hay làm chậm lại tiến trình, điều duy nhất có thể làm là đón lấy”.

Art of Hosting, như cách Chị gọi tên, là nơi của những điều kỳ diệu xảy ra, không phải bằng niềm tin tôn giáo, mà điều kỳ diệu khởi sinh từ sự nâng đỡ của cộng đồng. Một cộng đồng chọn thấy, chọn sống, và chọn nuôi dưỡng những điều đẹp đẽ. Bất cứ lúc nào tôi chật vật với những cảm xúc trong lòng, sự nâng đỡ lại hiện diện. Như bàn tay ấm nóng của Chị đặt sau lưng tôi – “Đừng lo gì, Chị vẫn ở đây, ngay cạnh”. Như cách ai đó ngồi nghe mình, bình thản, và nhẫn nại, cả với sự lặng im. Như cách tôi chọn để tiếng nói của mình được lắng nghe, giữa cộng đồng, mà trong lòng không còn chút nào sợ hãi. Những cái nắm tay, những chiếc ôm, tiếng người hát, nói, cười vui, tiếng rì rầm thảo luận, tiếng trẻ con thi thoảng khóc cười. Trong không gian tròn đầy, dịu dàng, với rất nhiều yêu thương chăm sóc, một điều đã nảy mầm – “Niềm tin”

-Han Pham-

Hosting myself through a quarter marathon on the route that I could not come due to COVID a few years ago … this time the route is just for me!

Enjoy the last day of Art of Hosting Vietnam’ workshop where I am hosting myself, hosting others, being hosted and experience the beauty and power of a community hosting itself.

-Tam Pham-

Những vòng tròn yêu thương, những cái nắm tay, những cái ôm, những tiếng cười nói, những giọt nước mắt đã nuôi dưỡng sự tự tin cho mình.

Trước Art of Hosting, bên trong mình đầy những hoài nghi, mâu thuẫn về bản thân, muốn nổi loạn, muốn thay đổi để tìm xem đâu mới là MÌNH.

Những ngày tham gia AOH là những ngày mình dành để lắng nghe và đáp ứng tối đa nhu cầu của bản thân. Khi những khúc mắc được gỡ, mình dần làm hoà với bản thân. Hoá ra ở AOH mình học được cách chung sống hoà hợp với chính bản thân. Và một sự thay đổi lớn đã đến khi mình lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nhu cầu của bản thân thì cũng là lúc mình dần dần học được cách lắng nghe và tôn trọng nhu cầu của người khác.

Trở về nhà sau Art of hosting, mình có chút lạc nhịp sau vài ngày sống trong cảm giác an toàn, ấm áp, bình an đến từ
những người bạn chưa từng quen biết trước đó. Những vòng tròn yêu thương, những cái nắm tay, những cái ôm, những tiếng cười nói, những giọt nước mắt đã nuôi dưỡng sự tự tin cho mình.

Cảm ơn BTC của AOH 5 với sự chuyên nghiệp, chu đáo, đầy yêu thương và những người bạn đã cùng nhau làm nên những điều tuyệt đẹp này.

-Nguyen Thuy Linh-

Tới Art of Hosting

không chỉ để học tri thức ở tầng tâm trí
mà còn là trải nghiệm bằng cả cơ thể,
cảm nhận bằng tất thảy các giác quan,
thực sự sống trong một cộng đồng đa dạng và trù phú,
một hệ sinh thể biến đổi trong từng khoảnh khắc.
4 ngày chung sống cùng nhau
học cách chăm sóc bản thân
nhận sự chăm sóc
chăm sóc người khác
đồng kiến tạo một cộng đồng chăm sóc lẫn nhau
để rồi tái khám phá cách làm một người hàng xóm tử tế
hỏi cái mình cần
cho cái mình có thể
khởi xướng và đón những cuộc trò chuyện
với câu hỏi mình đau đáu đã lâu
mời gọi những người có cùng mối quan tâm
mang theo câu chuyện chân thật
và tinh thần lắng nghe
cùng với sự sẵn lòng hỗ trợ
giúp nhau tìm thấy hướng đi sáng
trên con đường chung sống hòa hợp
hy vọng và niềm tin được thắp lên
trong ánh mắt
nụ cười
trong ý định
và cả hành động
mang lại sự đổi thay cho bản thân
và cho những người xung quanh.
từ muôn phương
hội tụ về một điểm
rồi lại rẽ nhánh
tỏa đi muôn nẻo đường
mỗi người mang theo hạt giống
của nghệ thuật chung sống
của những cuộc trò chuyện can đảm
trở lại thế giới
với niềm mong mỏi
được là một phần của cái gì đó lớn hơn
không chỉ cho bản thân
cho gia đình
hay nơi làm việc
mà còn là cho một hệ sinh thái lớn hơn
và cho thế hệ mai sau.

-Bui Mai Phuong-

Sau bữa mở pub đầy tai tiếng ở VSOD Quy Nhơn cuối năm 2023, tuần trước mình lại xách 1 chai whisky đi mở pub ở AoH Ninh Bình. Lần này thay vì chém gió, mình và đồng bọn được học, được thực hành nhiều nguyên tắc và công cụ chủ trì thảo luận, trong đó có thực hành bốn nếp.

Bốn nếp ấy là chăm sóc bản thân, nhận sự chăm sóc, chăm sóc người khác, và cùng chăm sóc nhau (đọc thêm về 4 nếp ở đây). Ngẫm lại thì, khi khách nhậu tự chăm sóc được chính mình và bạn nhậu, cũng là khi mà cái pub có thể tự chăm sóc cho chính nó. Và với cá nhân mình, đó chính là câu trả lời cho câu hỏi dẫn dắt “điều gì sẽ khả thi khi chúng ta thực hành nghệ thuật chung sống”, thật là “kỳ rượu”.

Mình đang nghĩ sẽ nấu thử 1 chai rượu nếp thật ngon rồi đặt tên cho nó là Bốn Nếp.
– Nếp nhậu cùng mình (Host Yourself)
– Nếp nhậu cùng người (Be Hosted)
– Nếp mời người nhậu (Host Others)

– Nếp nhậu cùng nhau – Cộng đồng nhậu (Community of Practice – Co-creation)

Ai biết nhà nấu rượu nếp nào có thể quan tâm, xin vui lòng kết nối!

Cheers!!! – Trung Slim-

A scribed piece on a page of his notebook by Seoung Sothearwat

Bài thơ từ Duy đến những người bạn AOHVN2024

Ngôn ngữ là lời mời

Ngôn ngữ là lời mời

Viết bởi Phạm Quang Linh

Năm nay, sau bốn tập huấn chỉ có tiếng Anh, Art of Hosting Việt Nam sẽ chính thức có tiếng Việt. Là một trong những người đưa ra quyết định trên, tôi đã rất vui, và cũng rất sợ.

Tôi sợ vì công việc tổ chức đã tăng lên gấp bội; riêng việc viết đã gấp đôi rồi. Và sợ vì đến giờ vẫn không biết chúng tôi sẽ đưa tiếng Việt vào như thế nào. Khi thảo luận về quyết định này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo, rằng tập huấn song ngữ thì khó lắm, tiến độ sẽ bị chậm. Rồi có quá nhiều từ ngữ khi dịch sang tiếng mẹ đẻ nghe vẫn khá lạ tai. Mỗi khi tôi dùng “trí tuệ tập thể” hay “đồng kiến tạo” thì mọi người hay nheo mắt kiểu “thằng này vừa nói linh tinh gì thế?”

Nhưng nếu năm nay không có tiếng Việt, và quay lại với chỉ tiếng Anh, thì như chị Trang—người đưa ra quyết định cùng tôi—nói: “sẽ là một bước lùi cho cộng đồng thực hành Việt Nam.”

Từ tập huấn lần trước, tiếng Việt đã vang lên trong vòng tròn rồi. Lúc đó là vòng check-out cuối cùng của khoá, và chị Thu Lành đã nói tiếng Việt trong phần chia sẻ của mình. Tôi thực sự không nhớ chị nói gì, chỉ nhớ mình bị hút hồn khi giọng chị cất lên. Khi vòng tròn kết thúc và mọi người chào tạm biệt nhau, tôi ra chỗ chị và nói lời cảm ơn chị vì đã mang tiếng Việt vào khoá. Rồi bỗng dưng, trước cả khi chị kịp trả lời, tôi đã bật khóc. Thế là chị cũng khóc theo. Hai chị em cứ đứng ôm nhau trong nước mắt, giữa căn phòng đầy ắp tiếng cười và những cái ôm. 

Hồi đó tôi không hiểu tại sao mình lại xúc động đến vậy. Bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu, đó là giây phút tôi nhận ra giấc mơ của mình là hoàn toàn khả thi.

Từ lâu tôi đã ấp ủ mong muốn được mời bố mẹ đến Art of Hosting. Một phần vì muốn ông bà hiểu mình đang làm cái gì, phần nữa là để chia sẻ thực hành. Trong gia đình tôi may mắn có vợ là người cùng thực tập, vậy nên chúng tôi có thể phối hợp dễ dàng hơn để xây dựng môi trường tốt cho con. Nhiều khi tôi cũng cần có những cuộc nói chuyện can đảm với bố mẹ, và nếu có cùng thực hành thì điều đó sẽ dễ dàng hơn biết bao.

Tôi cũng tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi một gia đình, một toà nhà, một khu phố, một dân tộc có cùng thực tập với những cuộc trò chuyện cần thiết? Sẽ có những màu nhiệm nào được hiện thực?

Và khi dùng tiếng Việt, tôi cũng được học thêm nhiều về cái mà tôi tưởng mình đã hiểu rõ. Như từ “host” chẳng hạn, các bạn trong cộng đồng thực hành bên Trung Quốc dịch từ đó là “chủ”, và tôi đang học lỏm từ này. Trong cuốn sách Companion Guide của AoH có câu: “Hosting is an act of leadership – hosting là một hành động lãnh đạo.” Còn gì mang tính lãnh đạo hơn việc làm chủ một không gian và mời người khác đến tham gia?  
Vậy là tập huấn năm nay cùng với tiếng Anh tiếng Việt sẽ hiện diện. Chúng tôi rất mong muốn được chào đón những người ông, người bà, những bác tổ trưởng, những cán bộ cộng đồng…cùng đến để thảo luận câu hỏi chủ đề năm nay—cùng nhau tìm lại nghệ thuật chung sống. Dù vẫn còn rất nhiều nỗi lo và những thứ chưa rõ ràng, nhưng tôi cũng rất háo hức. Vì biết mình sẽ được học thêm nhiều thứ, và sẽ được chia sẻ vòng tròn cùng gia đình.